Bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự chủ xe: Hiểu đúng và mua đủ

Ngay sau khi Cảnh sát giao thông thực hiện tổng kiểm soát phương tiện giao thông đường bộ từ ngày 15/5 đến ngày 14/6/2020 trên toàn quốc, thì chuyện chủ xe cơ giới bắt buộc phải mua bảo hiểm trách nhiệm dân sự (TNDS) lại tiếp tục “nóng” lên. Cơ quan Cảnh sát giao thông đã thực hiện xử lý nhiều vi phạm giao thông, trong đó có nhiều trường hợp liên quan đến giấy chứng nhận bắt buộc trách nhiệm dân sự do không có hoặc đã hết hạn hiệu lực bảo hiểm.

Bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự chủ xe:Hiểu đúng và mua đủ

Bảo hiểm trách nhiệm dân sự chủ xe: Chia sẻ gánh nặng chi phí trước rủi ro bất ngờ

Theo Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam, bảo hiểm trách nhiệm dân sự (TNDS) bắt buộc của chủ xe cơ giới là loại hình mà các cá nhân hoặc doanh nghiệp phải mua theo luật định và được xem là chính sách an sinh xã hội của Nhà nước nhằm bảo vệ quyền lợi cho nạn nhân khi gặp tai nạn giao thông do xe cơ giới gây ra; mặt khác giúp bảo vệ tài chính cho chủ xe trước những rủi ro bất ngờ.

Thống kê của các cơ quan chức năng cho thấy, mỗi năm, số nạn nhân bị thiệt mạng do tai nạn giao thông tại Việt Nam là trên 8.000 người, chưa kể số người bị thương tật hoặc tàn phế. Tai nạn giao thông không chỉ gây ra nỗi đau dai dẳng cho mỗi gia đình, mà còn có thể đẩy nhiều gia đình chủ xe, người bị nạn rơi vào cảnh kiệt quệ về kinh tế, tạo gánh nặng cho xã hội. Nếu chủ xe tham gia bảo hiểm bắt buộc TNDS theo quy định thì chính các doanh nghiệp bảo hiểm sẽ là nơi san sẻ một phần chi phí cho những gia đình không may mắn đó.

Thực tế, cùng với đăng ký xe ô tô/xe máy, giấy phép lái xe, giấy tờ tùy thân thì giấy chứng nhận bảo hiểm TNDS bắt buộc của chủ xe là những giấy tờ thiết yếu người tham gia giao thông luôn phải mang. Từ tháng 9/2008, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 103/2008/NĐ-CP về bảo hiểm TNDS bắt buộc của chủ xe cơ giới. Với mức phí bảo hiểm TNDS bắt buộc hiện nay chỉ 60.000 đồng/năm đối với xe máy, và từ 437.000 đồng/năm trở lên đối với ôtô tùy theo mục đích sử dụng xe, thế nhưng theo các doanh nghiệp bảo hiểm, quy định bắt buộc này chỉ có chủ ôtô mua là chính, vì nếu không, chủ xe sẽ không được xét đăng kiểm xe, mua bảo hiểm thân xe, kể cả mua phí bảo trì đường bộ.

Đối với các chủ xe mô tô, xe máy vẫn chủ yếu mua để đối phó, nhiều khi hết hạn mà không biết… Theo thống kê, tính đến cuối năm 2019, cả nước đã có gần 60 triệu xe môtô, xe máy, tăng gần 80% so với năm 2011, nhưng ước tính sơ bộ của các doanh nghiệp bảo hiểm, chỉ có khoảng 30 – 40% chủ xe mô tô, xe máy chủ động mua bảo hiểm này.

Đại diện Tổng công ty CP Bảo hiểm PETROLIMEX (PJICO) cho biết, sau khi có quy định về tổng kiểm soát các phương tiện giao thông đường bộ, đơn cấp cho bảo hiểm xe cơ giới tại PJICO tăng dữ dội những ngày qua. Được biết, cùng với việc bán qua các đại lý chính thức, bảo hiểm xe cơ giới còn được PJICO triển khai bán ở các cây xăng Petrolimex. Hệ thống cây xăng Petrolimex trải rộng khắp các tỉnh/thành trên toàn quốc với hơn 2.500 điểm bán, rất tiện lợi cho khách hàng.

Bảo hiểm trách nhiệm dân sự ô tô, xe máy

Bảo hiểm trách nhiệm dân sự ô tô, xe máy

“Không chỉ bán bảo hiểm bắt buộc TNDS chủ xe theo quy định với thời hạn 1 năm hiện tại PJICO cũng đã triển khai bán loại hình bảo hiểm này với thời hạn 2 năm với mức phí chưa đến 100 ngàn đồng/Giấy chứng nhận bảo hiểm. Tuy nhiên, bảo hiểm xe máy bắt buộc 2 năm sẽ được ghi trên 2 tờ bảo hiểm khác nhau thì mới có giá trị. Những trường hợp ghi 2 năm trên 1 tờ bảo hiểm đều không đúng quy định” đại diện hãng bảo hiểm này lưu ý.

Được biết, PJICO hiện cũng là nhà bảo hiểm hàng đầu Việt Nam trong việc đầu tư mở rộng mạng lưới, phát triển sản phẩm, đa dạng kênh phân phối, nổi bật là các tiện ích như bảo hiểm trực tuyến, trung tâm chăm sóc khách hàng, hệ thống bảo lãnh viện phí, dịch vụ cứu hộ ôtô 24/7…

Mức bảo hiểm lên đến 100 triệu đồng/vụ

Bảo hiểm TNDS chủ xe sẽ bảo hiểm trong các trường hợp xảy ra rủi ro, tai nạn thuộc phạm vi bảo hiểm, người điều khiển xe cơ giới có bằng lái hợp pháp sẽ không phải đền bù cho người bị va chạm và cho người ngồi trực tiếp trên xe. Công ty bảo hiểm sẽ thay cho chủ xe tiến hành việc chi trả phần trách nhiệm dân sự này. Cụ thể, mức trách nhiệm bảo hiểm của đơn vị bảo hiểm đối với thiệt hại về người do xe cơ giới gây ra là 100 triệu đồng/1 người/1 vụ tai nạn.

Mức trách nhiệm bảo hiểm đối với thiệt hại về tài sản do xe mô tô, xe máy gây ra là 50 triệu đồng/1 vụ tai nạn; đối với thiệt hại về tài sản do xe ô tô gây ra là 100 triệu đồng/1 vụ tai nạn. Bên cạnh việc bồi thường cho chủ xe, một phần số tiền bảo hiểm sẽ được sử dụng để hỗ trợ nạn nhân khi gặp tai nạn giao thông. Trong trường hợp không xác định được xe gây tai nạn hoặc tai nạn không thuộc phạm vi bảo hiểm cũng sẽ được hỗ trợ bồi thường nhân đạo cho nạn nhân số tiền lên đến 20 triệu đồng/người.

Tuy nhiên, theo đại diện một doanh nghiệp bảo hiểm, bảo hiểm TNDS bắt buộc xe cơ giới sẽ không chịu trách nhiệm bồi thường trong các trường hợp sau: Hành động cố ý gây thiệt hại của chủ xe, lái xe, hoặc của người bị thiệt hại; Lái xe gây tai nạn cố ý bỏ chạy không thực hiện trách nhiệm dân sự của chủ xe, lái xe cơ giới; Lái xe không có Giấy phép lái xe hoặc Giấy phép lái xe không phù hợp đối với loại xe cơ giới bắt buộc phải có Giấy phép lái xe…

Theo Nghị định 100/2019/NĐ-CP, nếu chủ xe không mang theo Giấy chứng nhận bảo hiểm TNDS chủ xe hoặc giấy không còn hiệu lực sẽ bị phạt từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng đối vởi xe gắn máy; mức phạt đối với chủ xe ôtô là từ 400.000 đồng đến 600.000 đồng.
Nguồn: Tạp chí Công Thương

028.37273883