Thị trường thế giới
Diễn biến giá
Thị trường cà phê thế giới biến động tăng trong tháng 5. So với cuối tháng 4, giá cà phê robusta giao ngay tháng 5 tăng 76 USD/tấn lên 1.632 USD/tấn. Khả năng sụt giảm nguồn cung Robusta niên vụ tới đã hỗ trợ thị trường cà phê kỳ hạn. Thị trường hiện nay đang tập trung vào các thông tin về thời tiết với toàn bộ vùng đông bắc Brazil, phần lớn khu vực phía bắc Nam Mỹ và toàn bộ Trung Mỹ cũng như nhiều vùng trồng cà phê tại châu Á như Việt Nam và Indonesia đều đang hứng chịu hạn hán và thời tiết khô nóng.
Sản xuất
Theo báo cáo của Liên đoàn Cà phê Colombia, sản lượng cà phê của nước này trong tháng 4/2016 đạt 1.043.000 bao, tăng 119.000 bao, hay 12,88%, so với cùng kỳ năm ngoái. Xuất khẩu cà phê của Colombia trong tháng 4/2106 đạt 906.000 bao, giảm 21.000 bao, tương ứng 2,27%, so với tháng 4/2015. Xuất khẩu cà phê trong 7 tháng đầu niên vụ 2015-2016 đạt 7.662.000 bao, tăng 782.000 bao, tương đương 11,37%, so với cùng kỳ năm trước.
Báo cáo của Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) cho thấy, sản lượng cà phê của Ấn Độ niên vụ 2015-2016 ước đạt 5,3 triệu bao, giảm 2,75% so với niên vụ trước, trong đó Robusta chiếm 71,89% và Arabica 28,11%. Con số mà USDA đưa ra thấp hơn 9,09% so với con số 5,83 triệu bao của Ủy ban Cà phê Ấn Độ. USDA cũng dự báo sản lượng cà phê của Ấn Độ niên vụ 2016-2017 sẽ giảm 2,45% so với niên vụ 2015-2016 xuống 5,17 triệu bao, trong đó Robusta chiếm 72,59% và Arabica 27,41%, do thời tiết bất lợi vào thời điểm cây cà phê ra hoa.
Sản lượng cà phê của Indonesia được dự báo giảm khoảng 10% trong năm nay do hiện tượng thời tiết El Nino tồi tệ nhất trong gần hai thập kỷ qua gây ra thời tiết khô hạn. Hãng tin Bloomberg tổng hợp dự đoán của 5 tổ chức kinh doanh cà phê cho biết, Indonesia, nước sản xuất cà phê robusta lớn thứ 3 thế giới, có thể chỉ thu hoạch được 570.000 tấn cà phê trong mùa vụ này (bắt đầu từ ngày 1/4/2016), giảm hơn 10% so với mức sản lượng 636.000 tấn cà phê vào năm trước. Đây cũng là mức sụt giảm sản lượng cà phê mạnh nhất ở Indonesia kể từ niên vụ 2011-2012.
Theo Cơ quan Địa Vật lý, Khí hậu học và Khí tượng học Indonesia, hiện tượng El Nino mạnh nhất kể từ năm 1997 đã gây khô hạn ở đảo Sumatra, khu vực sản xuất cà phê lớn nhất của Indonesia kể từ năm ngoái. Hán hạn đã khiến vụ mùa cà phê thất bát ở vùng đất trũng của Sumatra vì cây cà phê khô héo và không nở hoa.
Xuất nhập khẩu
Hiệp hội Xuất khẩu Cà phê Brazil (Cecafe) cho biết, xuất khẩu cà phê của nước này trong tháng 4/2016 đạt 2.149.214 bao, giảm 584.165 bao, hay 21,37%, so với cùng kỳ năm ngoái. Trong khi đó, xuất khẩu cà phê hòa tan giá trị gia tăng trong tháng 4/2016 đạt 254.829 bao, giảm 45.309 bao, hay 15,1%, so với cùng năm ngoái. Như vậy, tổng khối lượng xuất khẩu cà phê của Brazil trong tháng 4/2016 đạt 2.404.043 bao, giảm 594.654 bao, tương ứng 21,76%, so với cùng kỳ năm ngoái. Kim ngạch xuất khẩu cà phê tháng 4/2016 đạt 352,2 triệu USD, giảm 148 triệu USD, hay 29,59%, so với cùng kỳ.
Trong tháng 4/2016, xuất khẩu cà phê Robusta từ Sumatra giảm 79% so với cùng kỳ năm ngoái, xuống còn 4.786 tấn. Sản lượng cà phê Indonesia giảm sẽ dẫn đến nguồn cung cà phê Robusta giảm và có thể hỗ trợ đà tăng giá mặt hàng này.
Thị trường trong nước
Diễn biến giá
Thị trường cà phê trong nước biến động tăng trong tháng 5/2016. So với cuối tháng 4/2016, giá cà phê vối nhân xô các tỉnh Tây Nguyên tăng 1.700 đ/kg lên 35.700 – 36.200 đ/kg. Nắng hạn gay gắt thời gian qua tại Tây Nguyên khiến nhiều vườn cà phê chết khô hoặc cho năng suất kém. Dự báo sản lượng cà phê Robusta trong nước sẽ giảm khoảng 30% đã khiến giá cà phê trong nước tăng mạnh trong tháng qua.
Sản xuất
Trung tâm Khí tượng Thủy văn Quốc gia dự báo, lượng mưa tại các vùng sản xuất cà phê chủ chốt ở miền Nam và Tây Nguyên năm nay sẽ thấp hơn 20-40% so với bình thường. Hiện đã có những cơn mưa rải rác, do vậy, khô hạn và thiếu nước sẽ phần nào bớt trầm trọng trong ngắn hạn.
Theo Hiệp hội Cà phê ca cao Việt Nam (Vicofa), niên vụ 2016 – 2017, sản lượng cà phê cả nước ước giảm 10% so với niên vụ trước. Nguyên nhân giảm do ảnh hưởng của hiện tượng El Nino khiến mưa ít, nắng nóng kéo dài dẫn đến diện tích cây trồng bị hạn ở khu vực Tây Nguyên – vùng trọng điểm cà phê của cả nước gia tăng.
Cùng với đó, xu thế già hóa nhanh làm cho cây cà phê bị giảm sức đề kháng, khi gặp hạn mức độ thiệt hại càng tăng cao. Đây là niên vụ thứ 4 liên tiếp loại cây trồng này bị mất mùa, nếu không có giải pháp tái canh hợp lý thì năng suất cà phê sẽ tiếp tục giảm mạnh trong những năm tới và Việt Nam có nguy cơ mất vị trí thứ 2 của thế giới về sản lượng.
Đắk Lắk là địa phương có diện tích cà phê lớn nhất cả nước với hơn 203.000 ha đang xảy ra đợt hạn nặng nhất trong 30 năm qua. Tính đến đầu tháng 5/2016, toàn tỉnh có 39.324 ha cà phê bị hạn (chiếm gần 76,5% tổng diện tích các cây trồng bị hạn), trong đó 4.949 ha bị mất trắng. Theo dự đoán của người trồng cà phê, sản lượng niên vụ 2016 – 2017 ở Đắk Lắk ước giảm trên 25% so với niên vụ kế trước.
Theo kết quả khảo sát của Bloomberg, nông dân Việt Nam sẽ thu hoạch khoảng 1,5 triệu tấn cà phê trong niên vụ bắt đầu vào tháng 10/2016, ghi nhận mức thấp nhất kể từ niên vụ 2012-2013 khi sản lượng đạt 1,65 triệu tấn.
Nhận định
Từ đầu tháng 3/2016, giá cà phê tại Đăk Lăk – tỉnh trồng cà phê hàng đầu của Việt Nam – đã tăng khoảng 20% lên 36.200 đồng/kg tính đến ngày 23/5. Dù giá đi lên, song nhu cầu cà phê Việt Nam có thể tiếp tục tăng do vẫn tương đối hấp dẫn so với nguồn cung thay thế từ Brazil và Indonesia – các quốc gia cũng đang phải gánh chịu hạn hán.
Hồ Như Nguyệt – Nghenong.