Tính chung cả tuần, giá dầu Brent tăng 1,8%, còn giá dầu WTI giảm 2,4%.
Thị trường dầu mỏ thế giới vẫn biến động trái chiều. Ảnh minh họa: TTXVN
Mặc dù trải qua ba phiên tăng giá trong tuần, thị trường dầu mỏ thế giới vẫn biến động trái chiều, giữa bối cảnh giá dầu Brent ghi nhận tuần tăng đầu tiên trong bốn tuần trong khi giá dầu chuẩn Tây Texas (WTI) lại chứng kiến tuần giảm thứ tư liên tiếp.
Tính chung cả tuần, giá dầu Brent tăng 1,8%, còn giá dầu WTI giảm 2,4%.
Trong phiên đầu tuần (23/7), giá dầu đi xuống do tâm điểm chú ý của thị trường chuyển từ tình hình căng thẳng gia tăng giữa Mỹ và Iran, vốn là yếu tố trước đó trong phiên đã đẩy giá dầu lên cao, sang những lo ngại về tình trạng dư thừa nguồn cung.
Chuyên gia phân tích Phil Flynncủa Công ty Price Futures Group ở Chicago cho biết Saudi Arabia và các nước sản xuất dầu lớn khác đang gia tăng sản xuất để bù đắp cho sự sụt giảm sản lượng ở Iran khi thời hạn tháng Mười Một đang đến gần.
Sang phiên 24/7, giá dầu thế giới lấy lại đà tăng giữa bối cảnh các nhà đầu tư chờ đợi Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) công bố số liệu dự trữ dầu thô hàng tuần của nước này.
Giá dầu thế giới tiếp tục tăng trong phiên giao dịch ngày 25/7 khi số liệu chính thức cho thấy lượng dầu dự trữ của Mỹ giảm nhiều hơn dự kiến.
Theo EIA, dự trữ dầu thô của nước này đã giảm 6,1 triệu thùng vào tuần kết thúc vào 20/7, cao hơn mức kỳ vọng của thị trường và dự trữ xăng cũng giảm 2,3 triệu thùng.
Giá dầu tăng phiên thứ ba liên tiếp trong phiên 26/7 giữa lúc Saudi Arabia tạm ngừng xuất khẩu dầu qua qua tuyến đường Biển Đỏ sau khi tàu chở dầu của nước này bị phong trào Hồi giáo Houthi ở Yemen tấn công ở khu vực đó.
Việc căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) dịu xuống cũng được cho là tác động đến giá “vàng đen” thế giới.
Ngày 26/7, sau cuộc gặp Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Jean-Claude Juncker tại Nhà Trắng, Tổng thống Mỹ Donald Trump nhất trí không áp thuế đối với ô tô, trong bối cảnh EU và Mỹ bắt đầu các cuộc thảo luận về việc cắt giảm các rào cản thương mại khác. Chuyên gia về thị trường John Kilduff tại Again Capital Management tại New York nhận định diễn biến mới này là nhân tố tích cực đối với nền kinh tế và thị trường hàng hóa.
Trong phiên cuối tuần (27/7), giá dầu quay đầu đi xuống, trước đà giảm của thị trường chứng khoán Mỹ. Chốt phiên, giá dầu Brent giảm 25 xu Mỹ xuống 74,29 USD/thùng; còn giá dầu WTI giảm 92 xu Mỹ xuống 68,69 USD/thùng.
Các phân tích nhận định phiên này giá dầu kỳ hạn theo đà đi xuống của các chỉ số chứng khoán. Chiến lược Phillip Streible, thuộc RJO Futures, cho rằng diễn biến trên sàn chứng khoán có thể là dấu hiệu về sự giảm tốc của nền kinh tế – kịch bản sẽ tác động đến lượng tiêu thụ dầu mỏ.
Theo các nhà quan sát, thị trường đã lờ đi số liệu thống kê cho thấy trong quý II/2018 kinh tế Mỹ tăng trưởng ở tốc độ mạnh nhất trong gần bốn năm (4,1%). Nhà phân tích Phil Flynn, thuộc Price Futures Group, tại Chicago, cho rằng số liệu mới này nằm trong dự đoán của thị trường, trong khi tình hình dư cung vẫn hiện hữu.