Ngành dệt may đang có nhiều cơ hội và triển vọng phát triển, mở rộng thị trường khi các Hiệp định thương mại tự do (FTA) được ký kết. Đặc biệt, hiện dệt may Việt Nam đã vươn lên là một trong 5 nước xuất khẩu lớn nhất thế giới. Mặc dù vậy, theo đánh giá của giới chuyên gia trong ngành, những rào cản cũng không hề ít.
Bên cạnh thời cơ thì ngành dệt may cũng đối diện với nhiều thách thức.
Cơ hội mở rộng thị trường
Báo cáo mới nhất từ Bộ Công thương cho biết, nửa đầu năm 2018, ngành dệt may có bước tăng trưởng cao hơn cùng kỳ năm trước. Theo đó, kim ngạch xuất khẩu hàng dệt và may mặc ước đạt trên 13,4 tỷ USD, tăng 13,8% so với cùng kỳ năm 2017. Đặc biệt, xuất khẩu tăng đều ở các thị trường như Ấn Độ, Ba Lan, Anh, Áo; Bỉ… Trong nhiều năm trở lại đây, ngành dệt may có những bước tiến vượt bậc và đã vươn lên là một trong 5 nước sản xuất, xuất khẩu dệt may lớn nhất thế giới.
Bộ Công Thương dự báo: Thời gian tới, ngành dệt may có nhiều cơ hội và triển vọng phát triển, mở rộng thị trường. Đó là hiệu ứng của các Hiệp định thương mại tự do mang lại như Hiệp định Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) (thông qua tháng 3/2018) với lộ trình miễn thuế xuống 0% và nhiều điều khoản ưu đãi theo quy tắc ”từ sợi trở đi”.
Ngoài ra, việc ký kết Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) trong năm 2018 cũng sẽ giúp ngành dệt may Việt Nam tiếp cận sâu rộng hơn với thị trường này. EU luôn được đánh giá là thị trường “màu mỡ” đối với các sản phẩm dệt may do đó, đây là cơ hội lớn để các DN ngành may mặc mở rộng thị trường, gia tăng sản xuất. Bên cạnh đó, khả năng Hoa Kỳ sẽ tăng mức thuế nhập khẩu đối với các mặt hàng dệt may từ Trung Quốc, tạo cơ hội tốt cho các doanh nghiệp Việt Nam từng bước mở rộng và gia tăng thị phần xuất khẩu sang Hoa Kỳ…
Thách thức không ít
Tuy nhiên, cùng với những cơ hội, ngành dệt may cũng đối diện với không ít thách thức. Trong đó phải kể đến những bất lợi rõ rệt nhất do tác động từ cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung. Cụ thể, theo các chuyên gia ngành dệt may, việc Mỹ chính thức áp mức thuế 25% lên 34 tỷ USD hàng hóa của Trung Quốc mới đây và ngay lập tức, Trung Quốc cũng “trả đũa”, khi quyết định áp mức thuế 25% lên 34 tỷ USD hàng hóa Mỹ, là một trong những nhân tố chính ảnh hưởng tới bức tranh thương mại dệt may thế giới trong năm 2018.
Hàng dệt may Trung Quốc không xuất được qua Mỹ vì thuế cao, sẽ tràn sang các nước lân cận, trong đó có Việt Nam. Điều này cũng đã được TS Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI cảnh báo khi ông cho rằng, xung đột thương mại Mỹ – Trung sẽ tạo ra nguy cơ Việt Nam nhập siêu mạnh hàng hóa từ Trung Quốc. Khi đó, thị trường hàng hóa trong nước, trong đó có sản phẩm may mặc sẽ bị cạnh tranh gay gắt hơn.
Ngoài ra, hàng loạt những khó khăn mà ngành dệt may phải đối diện ở phía trước cũng được Bộ Công thương nêu ra. Điển hình là chi phí đầu vào tiếp tục có xu hướng tăng như lương tối thiểu, bảo hiểm xã hội, chi phí điện, nước. Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 diễn ra mạnh mẽ ở nhiều ngành nghề tác động đến các doanh nghiệp thuộc ngành dệt may. Ngoài ra, tình hình nguyên phụ liệu biến động như giá bông có xu hướng tăng nhẹ do nhu cầu bông tăng cao tại Pakistan, Bangladesh và Việt Nam cũng gây thêm khó khăn cho toàn ngành.
Nhận định về xu hướng của ngành dệt may trong thời gian tới, khi cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang lan rộng, TS. Trần Du Lịch cho rằng, dệt may là ngành công nghiệp truyền thống và định hướng quy hoạch đến năm 2030 tiếp tục là ngành có tốc độ tăng trưởng cao, trong 5 năm tăng trưởng 13-14% và gấp 10% giai đoạn tiếp theo. Như vậy, từ năm 2030 dệt may là ngành có tốc độ tăng trưởng cao tạo cú hích cho phát triển, nhất là công nghiệp dịch vụ. Và để đạt được mục tiêu này, ông Lịch cho rằng, chính sách của Chính phủ, vai trò của Nhà nước hỗ trợ có vai trò quan trọng.
“Nhà nước đóng vai trò “bà đỡ”, “sản phụ” là các DN. Nếu đỡ tốt thì mẹ tròn con vuông” – ông Lịch nêu quan điểm. Theo đó, cần khắc phục điểm yếu về logistics và có những chính sách đào tạo nghề để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Thời gian tới, cách mạng công nghiệp 4.0 đòi hỏi lực lượng lao động thông minh hơn là lao động chỉ đơn thuần gia công, giá rẻ.
Điều này cũng được Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam Vũ Đức Giang khẳng định khi cho rằng, thách thức của sự hội nhập kinh tế, của nền kinh tế số là rất lớn. Do đó, các DN cần tập trung đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu số hóa một số khâu trong dây chuyền sản xuất. Đặc biệt các DN cần chú trọng khâu thiết kế mẫu mã và hệ thống phân phối nhằm phát triển hơn nữa thị trường nội địa.
Nguồn: Đại Đoàn kết