DOANH NGHIỆP TĂNG ĐẦU TƯ DỆT MAY, ĐỊA PHƯƠNG LO!

 

Việc ký kết các hiệp định thương mại tự do (FTA) song phương và đa phương đang kéo theo sự dịch chuyển đầu tư các dự án dệt may từ nước ngoài vào Việt Nam. Tuy nhiên, một số địa phương đã e ngại tiếp nhận những dự án thuộc lĩnh vực này, nhất là dự án có công đoạn nhuộm trong quy trình sản xuất.

Triển lãm thiết bị ngành dệt may tại TPHCM.Ảnh: Quốc Hùng

Tiếp tục đầu tư và mở rộng

Bình Dương là một trong những địa phương đang thu hút sự quan tâm của nhiều doanh nghiệp sản xuất nước ngoài, đáng chú ý là lĩnh vực dệt may. Gần đây, Công ty TNHH Apparel Far Eastern (Bermuda) đã đón giấy chứng nhận đầu tư để thực hiện dự án nhà máy sản xuất, gia công hàng may mặc tại khu công nghiệp VSIP II-A có vốn đăng ký 25 triệu đô la Mỹ. Cũng tại địa phương này, tập đoàn Far Eastern (Đài Loan), doanh nghiệp đã chi hàng trăm triệu đô la cho dự án vải, hóa sợi trong khu công nghiệp Bàu Bàng, đã tiếp tục ký hợp đồng thuê thêm đất với diện tích lớn ở đây để mở rộng đầu tư.

Tại Nam Định, Công ty TNHH Herberton (Singapore) triển khai dự án đầu tư nhà máy dệt và may trang phục Ramatex có tổng giá trị đầu tư khoảng 80 triệu đô la Mỹ. Dự kiến, nhà máy này sẽ hoạt động vào năm tới với công suất 25.000 tấn vải các loại, 15 triệu sản phẩm trang phục/năm, tạo việc làm cho khoảng 3.000 lao động.

Không chỉ đầu tư trực tiếp, nhà đầu tư nước ngoài còn rót vốn vào lĩnh vực dệt may thông qua hình thức đầu tư gián tiếp với việc thâu tóm, mua lại cổ phần của doanh nghiệp dệt may trong nước. Đáng chú ý là thương vụ tập đoàn Itochu (Nhật Bản) đã chi 5 tỉ yen (khoảng 47 triệu đô la) để mua thêm gần 10% cổ phần tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex). Giao dịch này đã giúp nâng tỷ lệ sở hữu của Itochu tại Vinatex lên gần 15%.

Theo bà Nguyễn Thị Tuyết Mai, Tổng thư ký kiêm Trưởng Văn phòng đại diện Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) tại TPHCM, Việt Nam đang là một trong những điểm đến hàng đầu trên thế giới cho những nhà đầu tư quan tâm đến ngành công nghiệp dệt may do sức hấp dẫn từ các FTA song phương và đa phương mà Việt Nam ký kết. Thực tế cho thấy đã có sự dịch chuyển đầu tư các dự án dệt may nước ngoài vào Việt Nam.

Điều này khác với thời điểm đầu năm 2017 khi Mỹ tuyên bố không tham gia Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) và ngành dệt may đã bị tác động khá lớn ngay sau đó. Đầu tư của nước ngoài vào ngành dệt may lúc ấy chững lại, các đơn hàng lớn có xu hướng dịch chuyển sang những nước như Campuchia, Myanmar, Bangladesh… Bởi, so với một số nước trong khu vực thì giá sản phẩm dệt may của Việt Nam cao hơn. Trong khi đó, Mỹ là thị trường xuất khẩu dệt may lớn nhất của Việt Nam lại rời khỏi TPP nên nhiều doanh nghiệp nước ngoài đã chần chừ hoặc chuyển hướng đơn hàng qua những nước đang có lợi thế giá nhân công rẻ, ưu đãi thuế lớn hơn.

Tuy nhiên, từ quí 3-2017, đầu tư vào ngành dệt may trong nước khởi sắc đồng thời các đơn hàng lớn cũng quay trở lại Việt Nam. Điều này được bà Mai nhận định là do ngành dệt may Việt Nam có ưu thế là chất lượng sản phẩm cao, các doanh nghiệp có thể thực hiện các đơn hàng khó và thời gian giao hàng nhanh. Vì thế, các đối tác sau một thời gian dịch chuyển đơn hàng qua các nước khác thấy không đảm bảo về chất lượng, thời gian giao hàng nên đã quay trở lại.

Theo Vitas, ngoài TPP mà nay là CPTPP (Hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương), ngành dệt may còn được các nhà đầu tư nước ngoài chú ý bởi có thêm các hiệp định khác. Hiện Việt Nam đã xúc tiến 16 FTA song phương, đa phương. Trong đó, hai hiệp định thương mại thế hệ mới là CPTPP và EVFTA (Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU) nếu có hiệu lực sẽ tạo ra rất nhiều cơ hội cho ngành dệt may Việt Nam.

Theo bà Nguyễn Thị Tuyết Mai, EU là thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của Việt Nam, thuế suất hiện từ mức 10-12% sẽ giảm xuống còn 0% khi FTA có hiệu lực. Đây sẽ là động lực, lợi thế rất lớn cho hàng dệt may Việt Nam khi xuất khẩu vào EU. Với lợi thế trên, bà Mai cho rằng các dự án dệt may sẽ tiếp tục dịch chuyển đến Việt Nam. Lâu nay, Đài Loan, Hàn Quốc và Trung Quốc dẫn đầu vốn đầu tư về các dự án dệt may vào Việt Nam, nhưng theo dự báo của bà Mai, trong thời gian tới Hàn Quốc sẽ dẫn đầu đầu tư lĩnh vực này. Bởi bên cạnh việc ký hiệp định song phương với Việt Nam, Hàn Quốc còn có hiệp định hợp tác với EU nên có nhiều lợi thế để chọn Việt Nam đầu tư, bà Mai lý giải.

Các địa phương dè chừng

Việc các nhà đầu tư rót nhiều vốn vào Việt Nam sẽ góp phần phát triển công nghiệp hỗ trợ cho ngành dệt may, qua đó giúp gia tăng tỷ lệ nội địa hóa. Tuy nhiên, nhiều địa phương gần đây có phần không mặn mà và đã có cân nhắc trong việc tiếp nhận những dự án thuộc lĩnh vực này, nhất là những dự án có khâu nhuộm. Có địa phương còn thẳng thừng từ chối dự án với vốn cam kết lên đến cả trăm triệu đô la Mỹ vì e ngại sẽ ảnh hưởng đến môi trường.

Tại hội nghị trực tuyến về giải pháp tổng thể thúc đẩy xuất khẩu do Bộ Công Thương chủ trì vào tháng 5 rồi, ông Trương Văn Cẩm, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Vitas, nêu thực tế rằng các địa phương đang ngại tiếp nhận và cấp phép đầu tư đối với các dự án dệt nhuộm. Chẳng hạn, tập đoàn TAL (Hồng Kông) muốn đầu tư dự án dệt nhuộm (vốn đăng ký 350 triệu đô la) tại khu công nghiệp Bá Thiện 2, tỉnh Vĩnh Phúc, nhưng đến nay dự án này chưa được cấp phép dù đã được Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài Nguyên và Môi trường đồng ý về chủ trương. Ông Cẩm cho biết địa phương ngại cấp phép đầu tư đối với các dự án dệt nhuộm.

Mới đây, UBND tỉnh Vĩnh Phúc tiếp tục có văn bản kiến nghị Thủ tướng Chính phủ không chấp thuận đầu tư dự án dệt nhuộm nói trên của tập đoàn TAL trên địa bàn tỉnh. Đây là lần thứ tư tỉnh Vĩnh Phúc kiến nghị Thủ tướng không chấp thuận dự án này.

Trước Vĩnh Phúc, thành phố Đà Nẵng cũng từng lắc đầu với một dự án nhà máy dệt nhuộm của nhà đầu tư Hồng Kông trị giá 200 triệu đô la cũng với lý do lo ngại về việc sẽ gây ô nhiễm.

Về vấn đề này, giới phân tích cho rằng các địa phương buộc phải tính toán và hạn chế các dự án dệt nhuộm bởi nếu nhà đầu tư không thực hiện việc xử lý môi trường như cam kết thì gánh nặng sẽ đổ lên chính quyền địa phương, trong khi ngân sách địa phương không thể lo hết được.

Đến nay, phần lớn các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) chỉ đầu tư vào lĩnh vực sợi, may và phụ liệu. Lĩnh vực dệt nhuộm chỉ chiếm dưới 9% tổng số vốn đầu tư FDI vào ngành dệt may. Theo Vitas, nếu các địa phương không hỗ trợ cấp phép thì việc tạo ra chuỗi cung ứng, đáp ứng quy định xuất xứ để được hưởng lợi từ các hiệp định EVFTA (yêu cầu xuất xứ từ vải), CPTPP (yêu cầu xuất xứ từ sợi) là vấn đề xa vời.

Thừa nhận rằng khâu nhuộm có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, nhưng theo ông Cẩm, nếu các dự án đầu tư công nghệ xử lý nước thải tốt thì phải xem xét cấp phép. Ông đề nghị, các địa phương cần tạo điều kiện cho các dự án đầu tư vào dệt nhuộm, ưu tiên các doanh nghiệp đầu tư công nghệ hiện đại xử lý nước thải.

Trên thực tế, không chỉ lo về ô nhiễm môi trường, một số địa phương ngại thu hút các dự án liên quan đến may mặc, dệt nhuộm còn có nguyên nhân là vì kéo theo đó là rất nhiều lao động nhập cư phục vụ cho lĩnh vực này. Cùng với đó là những đòi hỏi về trường học, y tế, nhà ở, trật tự trên địa bàn… mà các địa phương phải tự lo hoặc bỏ tiền đầu tư xây dựng.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh đề nghị UBND các tỉnh, thành phố cần có chính sách nhất quán và thân thiện hơn đối với đầu tư dệt – nhuộm – hoàn tất, bởi hoàn toàn có thể bảo vệ môi trường thông qua áp dụng các yêu cầu cao về xử lý nước thải; không ngăn cản và không kỳ thị ngành dệt nhuộm như hiện nay.

Hiện nay, một số địa phương dù không đưa vào diện tạm dừng thu hút đầu tư, nhưng một số ngành nghề thuộc lĩnh vực may mặc, dệt nhuộm… được xếp vào diện thu hút đầu tư có điều kiện và chỉ được cấp phép khi đáp ứng đầy đủ những quy định về xử lý chất xả thải, chứng minh công nghệ hiện đại, ít thâm dụng lao động phổ thông… Số địa phương khác, khi cân nhắc giữa cái được và cái mất đã định hướng quy hoạch các cụm, khu công nghiệp riêng có thể đáp ứng đầy đủ hạ tầng xử lý môi trường và cách xa khu dân cư để thu hút các dự án này. 

Nguồn: Thesaigontimes

028.37273883