“Giải mã” nguyên nhân giá dầu tăng mạnh

 

Các nhà giao dịch dầu lửa giao sau đã dịch chuyển sự chú ý sang sự suy giảm sản lượng dầu thay vì bị “ám ảnh” bởi lượng dầu tồn kho gia tăng như trước kia.

Sự dịch chuyển này có thể đã giúp đặt ra một mức sàn đối với giá dầu, khi triển vọng sản lượng nguồn cung dầu ngoài Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) suy giảm.

Theo hãng tin Bloomberg, cho tới hết tháng 12/2015, báo cáo hàng tuần về lượng dầu thô tồn kho của Mỹ do Bộ Năng lượng nước này đưa ra luôn dẫn tới phản ứng có thể đoán trước của thị trường. Khi lượng dầu tồn kho tăng, giá dầu giảm, và ngược lại, khi mức tồn kho giảm, giá dầu tăng.

Khi số thùng dầu tồn kho ở Mỹ tiếp cận những kỷ lục mới, tất cả mọi sự chú ý đều đổ dồn vào bản báo cáo được công bố hàng tuần này.

Tuy nhiên, mối quan hệ giữa giá dầu với mức tồn kho dầu của Mỹ đã bị phá vỡ một cách ngoạn mục khi năm 2016 bắt đầu.

Số lượng dầu được chứa trong các bể chứa ở Mỹ vẫn không ngừng tăng lên những đỉnh cao mới, nhưng không còn khiến giá dầu “lao dốc không phanh” như hồi năm ngoái nữa. Ngược lại, giá dầu vẫn tăng dù lượng dầu tồn kho ở Mỹ đi lên trong 4 tuần trở lại đây.

Có thể nói, đã tạm qua một thời mức tồn kho dầu của Mỹ giữ vai trò là động lực chính chèo lái giá dầu. Cùng với đó, một mối quan tâm khác của thị trường cũng nổi lên.

Các nhà giao dịch dầu lửa có vẻ đã chuyển sự chú ý của họ từ tình trạng thừa mứa dầu hiện tại sang nguy cơ thiếu dầu trong tương lai.

Vấn đề là Bộ Năng lượng Mỹ đang tỏ ra bi quan hơn về triển vọng sản lượng của các nước ngoài OPEC.

Năm nay là năm thứ hai liên tiếp vốn đầu tư cho ngành dầu lửa của các nước ngoài OPEC suy giảm. Chưa kể, giá dầu giảm sâu đã dẫn tới việc đóng cửa những mỏ dầu lâu năm và những giếng dầu không đem lại hiệu quả kinh tế tích cực.

Trong báo cáo Triển vọng Năng lượng ngắn hạn mới đây nhất, Bộ Năng lượng Mỹ dự báo sản lượng dầu của các nước ngoài OPEC sẽ giảm 440.000 thùng/ngày trong năm 2016, so với mức dự báo giảm chỉ 90.000 thùng/ngày đưa ra hồi tháng 1.

Ngoài ra, sự suy giảm sản lượng dầu của Mỹ vốn được dự báo từ lâu cũng đang có chiều hướng tăng tốc. Bộ Năng lượng Mỹ cho biết sản lượng dầu của nước này đã giảm trong vòng 6/7 tuần trở lại đây. Nếu so với thời điểm giữa tháng 1, sản lượng dầu của Mỹ hiện đã giảm 157.000 thùng/ngày.

Không chỉ Bộ Năng lượng Mỹ trở nên bi quan về vấn đề sản lượng dầu. Trong báo cáo mới nhất công bố hôm thứ Sáu tuần trước, Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) cũng nói rằng sản lượng dầu của các nước ngoài OPEC sẽ giảm 750.000 thùng/ngày trong năm nay. Tháng trước, IEA dự báo sản lượng dầu của các quốc gia ngoài OPEC sẽ giảm 600.000 thùng/ngày trong năm 2016.

Vậy đâu là lý do khiến các nhà giao dịch quyết định chú ý tới các dự báo sản lượng, thay vì tập trung vào vấn đề lượng dầu tồn kho tăng cao?

Có lẽ, một phần nguyên nhân nằm ở việc mức tồn kho dầu của Mỹ luôn tăng trong quý 1 hàng năm. Bởi vậy, việc tồn kho dầu của Mỹ tăng trong quý 1 năm nay, dù thiết lập những mức đỉnh mới, có thể cũng chỉ được coi là “chuyện bình thường”.

Và chính sự dịch chuyển chú ý sang sản lượng thay vì lượng dầu tồn kho đã lý giải tâm trạng lạc quan của thị trường về khả năng giá dầu đã chạm đáy.

Kể từ giữa tháng 2 tới nay, giá dầu thế giới đã tăng 46%, trong đó giá dầu WTI giao sau tại thị trường Mỹ đang tiến gần ngưỡng 40 USD/thùng, so với mức đáy 26,21 USD/thùng vào tháng 2.

Tuy nhiên, theo nhận định của Bloomberg, giá dầu tăng cao hơn có thể dẫn tới việc các công ty dầu lửa đảo ngược kế hoạch giảm sản lượng. Và nếu dự trữ dầu thô của Mỹ đến đầu tháng 5 vẫn không giảm xuống, thì dữ liệu này sẽ lại trở thành tâm điểm chú ý của giới đầu tư, và giá dầu rất có thể sẽ nhanh chóng sụt giảm trở lại.

028.37273883