Tận dụng cơ hội tăng xuất khẩu hàng may mặc Việt Nam sang Canada

 

Theo số liệu thống kê 5 tháng đầu năm 2018, kim ngạch xuất khẩu hàng may mặc của Việt Nam sang thị trường Canada đạt 230 triệu USD, tăng 18,01% so với cùng kỳ năm 2017. Tháng 5/2018, kim ngạch xuất khẩu đạt 64,6 triệu USD, tăng 39,02% so với tháng 4/2018 và tăng 29,98% so với cùng kỳ năm 2017.

Về dài hạn, xuất khẩu hàng may mặc của Việt Nam sang thị trường Canada sẽ bứt phá mạnh trong những năm tiếp theo nhờ sức cạnh tranh của hàng may mặc Việt Nam và hiệu quả từ Hiệp định CPTPP.

+ Việc ký kết Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) đang và sẽ tạo ra những lợi thế gia tăng giúp cho ngành dệt may Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu sản phẩm vào thị trường này.

Hiện Việt Nam vẫn chưa ký kết hiệp định thương mại song phương (FTA) với Canada, lợi thế cạnh tranh của hàng dệt may Việt Nam ở thi ̣trường này vẫn còn thấp do mức thuế xuất khẩu dệt may tới các thị trường chưa có FTA vẫn ở mức trung bình trên 10%. Khi CPTPP có hiệu lực, sản phẩm dệt may Việt Nam đáp ứng các tiêu chuẩn chung sẽ hưởng thuế suất 0%.

Canada là nước nhập siêu hàng may mặc từ các thị trường Trung Quốc, Mexico, Ấn Độ, Campuchia…trong đó Trung Quốc chiếm vai trò chủ đạo. CPTPP chính thức có hiệu lực sẽ tạo ra lợi thế cho hàng dệt may Việt Nam vào thị trường này so với hàng của nhà cung cấp khác nhờ được hưởng ưu đãi thuế quan, trong đó Canada cam kết loại bỏ ngay 42 dòng thuế đối với sản phẩm dệt may Việt Nam.

+ Nhập khẩu hàng may mặc của Canada tăng và Việt Nam là một trong những nhà cung cấp có cơ hội tăng xuất khẩu và mở rộng thị phần hàng may mặc tại thị trường này.

Theo số liệu của Tổ chức Thương mại Thế giới, trong 3 tháng đầu năm 2018, nhập khẩu hàng may mặc (HS61&62) của Canada tăng 3,02% so với cùng kỳ năm 2017. Trong đó, tăng nhập khẩu từ Trung Quốc, Campuchia, Việt Nam, Ấn Độ, Italia… Đáng chú ý, nhập khẩu từ Việt Nam tăng mạnh nhất.

Hiện Việt Nam là nhà cung cấp hàng may mặc lớn thứ 4 vào thị trường Canada, với thị phần chiếm 8,38%, mở rộng thêm 0,33% so với cùng kỳ năm ngoái – là nhà cung cấp có thị phần mở rộng nhiều nhất (không xem xét so sánh với Italia).

+ Canada tăng nhập khẩu các mặt hàng có thế mạnh về sản xuất của Việt Nam như áo thun, quần, áo Jacket, quần áo trẻ em…4 tháng đầu năm 2018, xuất khẩu các mặt hàng này của Việt Nam sang Canada tăng trưởng ở mức 2 con số so với cùng kỳ năm 2017.

Canada được xếp vào hàng các nước có mức nhập khẩu hàng dệt may cao nhất tính trên đầu người, khoảng 250 USD/người/năm. Các nhà xuất khẩu trên khắp thế giới đều đã hiện diện ở thị trường này, cạnh tranh gay gắt và liên tục. Do vậy, để có thể thâm nhập được vào thị trường dệt may Canada, nhà xuất khẩu hoặc phải đưa ra được một sản phẩm mới hoàn toàn, hoặc phải đảm bảo có được một nguồn cung và chào hàng hấp dẫn về chất lượng, dịch vụ, giá cả, bao gói và nhãn mác so với cùng loại mặt hàng đang tiêu thụ trên thị trường. Dưới đây là một số điểm các nhà xuất khẩu cần lưu ý khi thâm nhập thị trường may mặc Canada:

  • Sản xuất nhanh hàng mẫu;
  • Trả lời thư từ giao dịch ngay trong ngày (bằng email, fax, điện thoại);
  • Giao hàng đúng hạn (trễ chỉ khi có sự nhất trí trước với người mua);
  • Giao hàng đúng mẫu hay qui cách thỏa thuận;
  • Nguồn cung ổn định và đều đặn;
  • Chất lượng cao, mức giá cạnh tranh;
  • Vật liệu bao gói phù hợp;
  • Phương tiện lưu trữ và làm hàng thích hợp;
  • Khuyến mại, đặc biệt đối với sản phẩm mới;
  • Có kiến thức về phương thức thanh toán.

Ngoài ra, thị trường may mặc Canada có quy mô chỉ bằng khoảng 10% thị trường Mỹ và do đó có thể đáp ứng các đơn hàng lớn. Nhà xuất khẩu và nhà nhập khẩu thường giao dịch dựa trên cơ sở mẫu hàng, do vậy các mẫu hàng cần phải tuân thủ đúng qui định và tiêu chuẩn của Canada về an toàn, độ bền, trọng lượng, chất liệu, chất lượng.

Thông tin thêm:

Một số đặc điểm thị trường dệt kỹ thuật Canada

Ngành hàng dệt may Canada có lịch sử phát triển lâu đời và có năng suất lớn. Ngành dệt may nước này đã có sự chuyển đổi về sản xuất trong thập kỷ qua, từ sản xuất hàng dệt may truyền thống chuyển sang phát triển và sản xuất vải không dệt và vải kỹ thuật. Ngành dệt may Canada giảm về quy mô trong thập kỷ qua và nhân sự làm việc trong ngành dệt may giảm hơn 60% còn trên 18 nghìn người. Sự suy giảm về nhân sự trong ngành dệt may Canada là do chuyển đổi sang sản xuất hàng dệt kỹ thuật, phụ thuộc vào công nghệ hơn là lao động.

Ngành dệt kỹ thuật của Canada là một trong những thị trường lớn nhất ở Bắc Mỹ. Không giống như các lĩnh vực dệt may truyền thống khác (như hàng may mặc và đồ nội thất gia dụng), việc sản xuất hàng dệt kỹ thuật chưa chuyển hoàn toàn sang Châu Á. Thị trường thế giới đối với hàng dệt kỹ thuật khoảng 133 tỷ USD vào năm 2012 và được dự đoán sẽ tăng lên 160 tỷ USD vào năm 2018.

Tại Canada, mặc dù thị phần của hàng dệt may tiêu dùng giảm, ngành dệt kỹ thuật vẫn đang tăng trưởng nhanh do mức độ phát triển về kiến thức kỹ thuật dẫn đến sự phát triển của các nguyên liệu dệt may mới có thể được sử dụng trong nhiều ứng dụng ở nhiều ngành khác nhau, bao gồm cả ngành hàng không vũ trụ, xây dựng và hạ tầng, hàng hải, y tế, an ninh, an toàn giao thông và nông nghiệp.

Trong thập kỷ qua, nhu cầu của thế giới đối với tất cả các sản phẩm dệt may tăng hơn 50%. Sự tăng trưởng này một phần do hàng dệt may được sử dụng trong nhiều ứng dụng hàng ngày khác nhau, như may mặc, vải lọc và khăn tay. Mặc dù nhu cầu đối với hàng dệt kỹ thuật đang tăng lên trên khắp thế giới, ngành này vẫn chịu ảnh hưởng của tình trạng thừa công suất và cạnh tranh về giá cả. Điển hình một số mặt hàng không dệt được sử dụng trong các sản phẩm vệ sinh hoặc các loại vải dùng làm khăn tay cho trẻ em đã từng được coi là thị trường ngách sinh lời, nhưng do sự đầu tư quá mức trên toàn cầu vào sản xuất, thị trường này đã trở nên bão hòa và hiện đang rơi vào tình trạng rớt giá và lợi nhuận thấp giống như một số sản phẩm dệt may truyền thống.

Một số khó khăn mà doanh nghiệp có thể gặp phải khi tiếp cận thị trường Canada bao gồm:

– Thủ tục hải quan của Canada

– Sử dụng nhãn mác bằng cả tiếng Anh và tiếng Pháp

– Những quy định về đóng gói hàng dệt may

– Những quy định về quảng cáo hàng dệt may

Canada nhập khẩu hàng dệt may theo đầu người cao gấp 9 lần so với Mỹ và ba lần so với EU. Thị trường Canada cạnh tranh rất mạnh mẽ. Hàng dệt kỹ thuật trên thị trường này được sử dụng trong nhiều ngành khác nhau như năng lượng, nông nghiệp, xây dựng và lĩnh vực sản xuất ô tô.

Vải không dệt

Việc sở hữu công nghệ về vải không dệt rất cần thiết. Khách hàng trên thị trường này có những quy định rất nghiêm ngặt, như mức độ hấp thu, độ bền, màu sắc, độ mịn và các yêu cầu về kỹ thuật khác. Các loại vải không dệt được sử dụng làm vật ghép trong ngành xây dựng, các dự án hạ tầng, ngành lọc và ngành sản xuất ô tô.

Vải chuyên dụng và vải công nghiệp

Những công ty thành công trên thị trường Canada là những công ty sẵn sàng đầu tư để sáng tạo ra những loại vải mới chưa phổ biến trên thị trường này. Vải chuyên dụng và vải công nghiệp được sử dụng trong quân đội, ngành dệt địa tổng hợp (thường được sử dụng trong xây dựng cơ sở hạ tầng), vải dầu và vải che xe tải…

Vải y tế

Việc thực thi các quy định ngày càng nhiều về các tiêu chuẩn phòng chống lây nhiễm và số lượng các bệnh viện tăng lên, thủ tục phẫu thuật và ngoại trú sẽ thúc đẩy ngành này tăng trưởng hơn nữa.

Thị trường vải y tế của Canada là thị trường tương đối phát triển, và để tăng khả năng cạnh tranh, các công ty muốn thâm nhập thị trường này cần đảm bảo có thể cam kết nguồn lực để thực hiện nghiên cứu và phát triển các loại vải y tế mới và chưa có trên thị trường này.

Đồ bảo hộ lao động

Ngành hàng dệt kỹ thuật đang dần trở thành ngành hàng quan trọng trong sản xuất hàng dệt may ở Canada. Thị trường này bao gồm nhiều thị trường ngách khác nhau mà doanh nghiệp có thể nghiên cứu để tìm kiếm thêm cơ hội cho mình như: quần áo khoác ngoài bảo hộ tốt, quần áo thể thao, quần áo dùng khi ở độ cao lớn và các loại quần áo len loại tốt.

Nguồn: Thông tin Thương mại

028.37273883