Trong tiến trình thị trường không ngừng mở cửa và toàn cầu hóa, những lợi thế của ngành công nghiệp bông và dệt sợi Trung Quốc đã được phát huy đầy đủ và ở mức độ tổng thể đã đạt đến một cấp độ mới. Tuy nhiên, do các yếu tố như: cơ chế thể chế, phương thức sản xuất và phân phối, trình độ tổ chức hóa, trình độ công nghệ và quản lý…, ngành công nghiệp bông của Trung Quốc muốn nâng cao chất lượng và hiệu quả, phát triển theo hướng chất lượng cao, còn cần phải giải quyết nhiều vấn đề.
Ông Vương Hiệp, Bí thư Đảng kiêm Chủ nhiệm Tổng Hợp tác xã Cung tiêu cả nước Trung Quốc đã phát biểu trong Diễn đàn Hội nghị Thượng đỉnh Ngành công nghiệp Bông được tổ chức trong ngày 07/6/2018 tại Cáp Nhĩ Tân: “Trong tiến trình thị trường không ngừng mở cửa và toàn cầu hóa, những lợi thế của ngành công nghiệp bông và dệt sợi Trung Quốc đã được phát huy đầy đủ và ở mức độ tổng thể đã đạt đến một cấp độ mới, sản lượng bông, tiêu thụ bông và kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may của Trung Quốc đều được xếp hàng đầu trên thế giới, đã trở thành một nước lớn thật sự trong ngành công nghiệp bông và dệt sợi”.
Từ năm 2004, Diễn đàn Hội nghị Thượng đỉnh Ngành công nghiệp Bông của Trung Quốc được tổ chức hai năm một lần và năm nay là lần tổ chức thứ tám. Diễn đàn lần này được tổ chức bởi Hiệp hội Bông Trung Quốc thuộc Tổng Hợp tác xã Cung tiêu Trung Quốc, chủ đề của diễn đàn là “Trách nhiệm của chúng tôi – nâng cao chất lượng và hiệu quả ngành bông”. Ông Vương Hiệp cho biết: “Trung Quốc là một thành viên quan trọng trong đại gia đình bông thế giới, nhìn về tương lai, cải cách và mở cửa ngành công nghiệp bông của Trung Quốc vẫn còn là một chặng đường dài”.
Sản xuất và cung cấp về cơ bản ổn định
Ông Đoạn Ngọc Kiệt, Tổng giám đốc của Tổng bộ Nông sản thuộc Bộ phận Kinh doanh Hàng kỳ hạn Sông Dương Tử tại thành phố Vũ Hán, đã liên tục 7 lần tham gia Diễn đàn Hội nghị thượng đỉnh về bông. Do sự biến động mạnh trên thị trường bông gần đây, tham gia Diễn đàn lần này ông đặc biệt quan tâm đến tình hình trồng bông. Ông Kiệt nói với các phóng viên: “Bắt đầu từ giữa và cuối tháng 5, giá bông trên thị trường trải qua 3 lần tăng giá rồi ngưng, cho đến ngày 4/6 mới giảm trở lại”. Giá hợp đồng CF1901 của bông kỳ hạn Trịnh Châu tăng lên 19.250 NDT/tấn, do ảnh hưởng bởi thời tiết Tân Cương và nguồn vốn tham gia thị trường, giá bông giao ngay cũng tăng theo. Sau đó, với việc Nhà nước thực hiện song song nhiều biện pháp khác nhau, giá bông Trịnh Châu bắt đầu có xu hướng giảm và giá bông giao ngay cũng giảm theo.
Hai phần ba sản lượng bông hàng năm của Trung Quốc đến từ Tân Cương, bông Tân Cương có bất kỳ động tĩnh gì cũng có thể ảnh hưởng trực tiếp đến toàn bộ chuỗi ngành công nghiệp bông. Bông Tân Cương có một tầm ảnh hưởng đặc biệt khó mà diễn tả hết.
Về vấn đề này, Chủ nhiệm Hợp tác xã Cung tiêu thuộc Binh đoàn Sản xuất và Xây dựng Tân Cương – Ông Vưu Tiểu Xuân nói với phóng viên Nhật báo Kinh tế, trong tháng 4 Tân Cương thực sự bị thiên tai. Theo số liệu thống kê của Binh đoàn Sản xuất và Xây dựng Tân Cương, tổng diện tích bị ảnh hưởng chiếm gần 20% toàn bộ diện tích trồng bông của Binh đoàn này.
Ông Vưu Tiểu Xuân nói: “Chống lại những ảnh hưởng bất lợi của thời tiết, Binh đoàn chúng tôi tập trung nỗ lực vào công việc sản xuất bông, dựa trên cơ sở khảo sát nghiên cứu và điều độ gần đây của bộ phận Nông nghiệp thuộc Binh đoàn, Binh đoàn đã có các biện pháp cụ thể để quản lý tốt trên các cánh đồng bông, làm tốt công tác hướng dẫn và phục vụ trước mắt”. Tính đến hiện tại, những cánh đồng bông bị ảnh hưởng nghiêm trọng đã được trồng lại và hiệu quả của việc trồng lại còn phải kết hợp với thời tiết trong tháng 6 mới thể hiện rõ được.
Theo Báo cáo thống kê của Binh đoàn cho thấy, diện tích trồng bông của Binh đoàn trong năm 2017 đạt 10,304 triệu mẫu (686.933,37 hecta) và sản lượng bông đạt 1,678 triệu tấn. Cho đến nay, theo thống kê trong Báo cáo Nông nghiệp của Phòng Nông nghiệp thuộc Binh đoàn này, diện tích trồng bông của Binh đoàn trong năm 2018 đã tăng đáng kể so với năm 2017.
Bà Cao Phương, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Bông Trung Quốc nói với các phóng viên: “Tình hình giá cả thị trường có những biến động là chuyện bình thường, nhưng nếu có sự biến động lớn có thể do có sự đầu cơ của một số nơi”. Diện tích trồng bông trên cả nước nhìn chung như năm trước chỉ giảm nhẹ một ít, quy mô bông dự trữ hợp lý hơn, đồng thời sản lượng bông quốc tế tăng nhiều hơn so với sự gia tăng của nhu cầu, cơ bản về cung và cầu trong và ngoài nước không thay đổi nhiều. Do đó, Hiệp hội mong muốn các DN không chạy theo sự biến động của thị trường, phải phân tích tình hình một cách khách quan, không chỉ nhìn cục bộ trước mắt, còn phải nhìn vào xu hướng trong tương lai, nên xem xét cả về thị trường quốc tế và trong nước.
Tổng thể tình hình thị trường tốt
Theo số liệu thống kê cho thấy, giá trị gia tăng của các DN dệt may quy mô trở lên trong Quý I tăng 2,1% so với cùng kỳ năm ngoái, sản lượng sợi tăng 4%, tổng kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may tăng 5,6% so với cùng kỳ năm ngoái, doanh số bán lẻ của các DN dệt may quy mô tăng 9,8% so với cùng kỳ năm ngoái, khiến cho lượng tiêu thụ bông vụ mới tiếp tục tăng.
Ông Đới Công Hưng, Chủ tịch Hiệp hội Bông Trung Quốc cho biết: “Dự báo lượng bông tiêu thụ trong năm nay sẽ đạt khoảng 8,5 triệu tấn”. Sự phục hồi nhanh của kinh tế toàn cầu và nền kinh tế của Trung Quốc phát triển ổn định đã thúc đẩy tổng thể ngành dệt sợi bông theo xu hướng tốt.
Ông còn cho biết, tình hình thị trường dệt sợi sôi động trở lại, tốc độ chuyển đổi nâng cấp được đẩy nhanh hơn, sắp tới ngành dệt sợi sẽ lấy việc tăng chủng loại mẫu mã, nâng cao chất lượng, xây dựng thương hiệu làm 3 chiến lược trọng điểm, nâng cao năng lực đổi mới của các DN, tối ưu hóa cơ cấu sản xuất, thúc đẩy sản xuất xanh và thông minh, hình thành động lực phát triển mới, tạo ra ưu thế cạnh tranh mới, thúc đẩy ngành công nghiệp phát triển theo hướng trung và cao cấp, để đạt được những mục tiêu này về mặt khách quan cần phải giảm những nguồn cung không hiệu quả và thấp kém, mở rộng nguồn cung hiệu quả và trung cao cấp, tăng cường khả năng thích ứng và linh hoạt với những thay đổi trong nhu cầu của cơ cấu nguồn cung, để đạt được sự gia tăng cả về số lượng và chất lượng.
“Nhu cầu về bông cấp thấp hiện nay ngày càng giảm, bông cấp thấp có thể được thay thế bằng sợi bông, ngành đang quan tâm nhiều hơn về nhu cầu của bông chất lượng cao”. Ông Trương Tích An, Phó Chủ tịch Phòng Thương mại Xuất nhập khẩu Dệt may Trung Quốc cho biết, nhu cầu về bông thiên nhiên chất lượng cao trên thị trường ngày càng lớn, ngành công nghiệp sản xuất bông phải cố gắng để đáp ứng nhu cầu về bông trung và cao cấp của thị trường.
“Chúng ta cần nhận thức tỉnh táo một điều là, vấn đề mất cân bằng và thiếu hụt trong phát triển ngành công nghiệp bông của Trung Quốc hiện nay vẫn rất nổi bật”. Ông Đới Công Hưng nói, do các yếu tố như: cơ chế thể chế, phương thức sản xuất và phân phối, trình độ tổ chức hóa, trình độ công nghệ và quản lý…, ngành công nghiệp bông của Trung Quốc muốn nâng cao chất lượng và hiệu quả, phát triển theo hướng chất lượng cao, còn cần phải giải quyết nhiều vấn đề.
Ví dụ, chất lượng kém là một vấn đề lớn. Bông của Trung Quốc chủ yếu thu hoạch bằng thủ công tuy có những lợi thế độc đáo của nó, nhưng hàm lượng xơ ngoại lai trong bông đã trở thành một vấn đề lớn tồn tại từ lâu. Bông của Trung Quốc còn phải nâng cao hơn nữa về mặt cải thiện giống cây trồng, phương pháp trồng, mô hình thu mua và công nghệ chế biến…
Ngoài ra, xét từ lĩnh vực lưu thông phân phối, sự cạnh tranh đồng nhất của các DN phân phối bông thể hiện rõ rệt, chất lượng sản phẩm và chất lượng dịch vụ thiếu khả năng cạnh tranh cốt lõi. Xét từ khâu sản xuất, tỷ lệ thu hoạch bông bằng máy của Trung Quốc trong năm 2017 vẫn chỉ có 28%, tính quy mô hóa, tổ chức hóa, chuyên môn hóa, cơ giới hóa trong sản xuất bông của Trung Quốc vẫn còn tương đối thấp.
Cùng chia sẻ trách nhiệm nâng cao chất lượng và hiệu quả
Binh đoàn sản xuất và xây dựng Tân Cương là khu vực sản xuất bông chính của Trung Quốc, đã dẫn đầu trong việc cải thiện chất lượng và hiệu quả. Hiện nay, các cánh đồng bông của Binh đoàn đã được cơ giới hóa toàn bộ khâu gieo trồng và không bỏ đất. Tỷ lệ cơ giới hóa trong trồng trọt và thu hoạch của Binh đoàn trong năm 2017 đạt 94%, diện tích trồng bông thu hoạch bằng máy đạt 5.300.265 hecta, tỷ lệ thu hoạch bông bằng máy đạt 80%; dự báo tỷ lệ này sẽ tăng nhẹ trong năm nay.
Ông Vưu Tiểu Xuân cho biết, năm nay Binh đoàn sản xuất và xây dựng Tân Cương sẽ tập trung vào việc bố trí khu vực một cách hợp lý hơn, theo đó vùng trồng bông giảm dần; đẩy mạnh việc chọn lựa các giống cây tốt; giảm mật độ trồng trên các cánh đồng bông; sử dụng màng nhân tạo dày hơn trong trong thu hái bông; tùy thuộc vào thời tiết năm nay để triển khai công nghệ thúc ra hoa sớm hơn.
Theo Nhà nghiên cứu Mao Thụ Xuân ở phòng Nghiên cứu Bông thuộc Học viện Khoa học Nông nghiệp Trung Quốc, bông chất lượng trung và cao cấp không chỉ đòi hỏi khoa học kỹ thuật, nhưng cũng cần sự kết hợp chặt chẽ về thể chế, cơ chế và biện pháp kiểm soát để thực hiện các cải cách tổng thể chuỗi sản xuất, chứ không chỉ điều chỉnh cục bộ.
Ông Đới Công Hưng cũng cho biết, Nhà nước và ngành dệt sợi, mỗi DN và mỗi nhà trồng bông trong chuỗi sản xuất phải đồng tâm hiệp lực cùng chia sẻ trách nhiệm nâng cao chất lượng và hiệu quả, Trung Quốc mới có thể đạt được sự biến đổi từ một nước lớn về bông thành một cường quốc về bông.
Đối với định hướng chức năng của Nhà nước và tổ chức của ngành, Ông Đới Công Hưng khuyến nghị Nhà nước nên tạo ra một môi trường thuận lợi cho sự phát triển theo hướng chất lượng cao, xây dựng các hệ thống chính sách pháp luật, tiêu chuẩn quy phạm và hệ thống giám sát quản lý hướng tới chất lượng cao. Cơ cấu tổ chức trong ngành phải xây dựng một kế hoạch dẫn dắt ngành hướng đến sự phát triển chất lượng cao, xây dựng và hoàn thiện các tiêu chuẩn ngành, quy phạm trong ngành và các quy tắc thương mại, để thực hiện việc “nâng cao chất lượng để phát triển ngành bông”, còn phải tích cực thúc đẩy việc xây dựng nền tảng dữ liệu thông tin lớn.
Đối với chủ thể thị trường, ông Đới Công Hưng đề xuất nên tập trung vào quản lý chất lượng, xây dựng thương hiệu, cải tiến sáng tạo và phát triển xanh. Sử dụng công nghệ mới, sản phẩm mới và định dạng mới, thông qua việc chuyển đổi nâng cấp và đổi mới phát triển để thúc đẩy nâng cấp cơ cấu sản xuất trong ngành, nâng cao chất lượng và hiệu quả phát triển. Đồng thời, kiên định đi theo con đường phát triển xanh, carbon thấp và tái chế, thông qua đổi mới công nghệ, đổi mới quy trình và đổi mới quản lý, chẳng những tạo điều kiện cho sản phẩm của các DN đáp ứng nghiêm chỉnh các tiêu chuẩn về chất lượng và an toàn môi trường của Nhà nước, mà còn có được sự tăng trưởng và lợi thế cạnh tranh mới.
Nguồn: Nhật báo Kinh tế