Hàng may mặc Việt Nam có cơ hội tăng thị phần tại Mỹ sau căng thẳng Mỹ – Trung

 

Theo số liệu thống kê, 5 tháng đầu năm 2018, kim ngạch xuất khẩu hàng may mặc của Việt Nam sang thị trường Mỹ đạt 5,1 tỷ USD, tăng 12,7% so với cùng kỳ năm 2017, tăng mạnh so với tốc độ tăng trưởng 6,9% của cùng kỳ năm 2017 so với năm 2016. Riêng tháng 5/2018, kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này đạt 1,1 tỷ USD, tăng 15,7% so với tháng 5/2017.

Trong những tháng đầu năm 2018, xuất khẩu các mặt hàng áo thun, váy, quần short, đồ lót, quần áo BHLD, quần áo bơi… của Việt Nam sang thị trường Mỹ tăng trưởng mạnh, trong khi xuất khẩu quần áo trẻ con lại tăng chậm.

4 tháng đầu năm 2018, kim ngạch xuất khẩu áo thun tăng 11,55% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 1,17 tỷ USD, chiếm 28,9% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng may mặc của Việt Nam sang Mỹ.

Kim ngạch xuất khẩu mặt hàng váy của Việt Nam tăng 20,4% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 442 triệu USD, chiếm 16,98% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng may mặc.

5 tháng đầu năm 2018, tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu hàng may mặc của Việt Nam sang thị trường Mỹ bứt phá khá tốt so với cùng kỳ năm ngoái, nhưng kết quả xuất khẩu mặt hàng này vẫn chưa thực sự là bền vững. Bởi vì, tăng trưởng mới chỉ trong 5 tháng đầu năm, chưa phản ánh hết xu hướng thị trường cả năm 2018. Thêm vào đó, tốc độ mở rộng thị phần hàng may mặc của Việt Nam tại thị trường Mỹ đang có dấu hiệu chậm lại so với các năm trước.

Theo số liệu của Ủy ban Thương mại Quốc tế Mỹ, thị phần hàng may mặc của Việt Nam tại Mỹ 4 tháng đầu năm 2018 chiếm 14,22% chỉ mở rộng thêm 0,1% so với cùng kỳ năm ngoái (cùng kỳ năm 2017 thị phần mở rộng thêm 1,23%; cùng kỳ năm 2016 thị phần mở rộng thêm 0,5%…). Dù chưa phải là xu hướng, nhưng việc thị phần hàng may mặc của Việt Nam mở rộng chậm lại (trong khi một số nhà cung cấp khác bứt phá) là tính hiệu cảnh báo đối với hoạt động xuất khẩu hàng may mặc của Việt Nam sang thị trường Mỹ.

Tuy nhiên, xuất khẩu hàng may mặc của Việt Nam sang Mỹ vẫn có cơ hội tăng mạnh trong những tháng tới, do kinh tế Mỹ khởi sắc, sức cạnh tranh cao vốn có của sản phẩm may mặc Việt Nam cũng như thêm cơ hội từ những căng thẳng thương mại Mỹ – Trung, cũng như việc Mỹ áp thuế nhập khẩu đối với các sản phầm nhôm và thép từ Canada, Mexico, EU…

Các số liệu về thị trường việc làm khả quan, thu nhập người lao động tăng cùng với niềm tin tiêu dùng tăng… là những chỉ số cho thấy tăng trưởng kinh tế Mỹ vẫn vững. Cụ thể, tỷ lệ thất nghiệp của Mỹ giảm xuống 3,8% trong tháng 5/2018. Đây là tỷ lệ thấp nhất của chỉ số này kể từ tháng 4/2000. Niềm tin kinh doanh của doanh nghiệp cải thiện lên 58,7 điểm từ 57,3 điểm trong tháng 4…

4 tháng đầu năm 2018, nhập khẩu hàng may mặc của Mỹ tăng 1,4% về lượng và tăng 2,4% về trị giá so với cùng kỳ năm 2017, đạt 25,1 tỷ USD, tương đương 85 tỷ m2 quy đổi. Trong đó, Mỹ tăng nhập khẩu mặt hàng này từ các thị trường Việt Nam, Bangladesh, Ấn Độ, Mexico, Campuchia… và giảm nhập khẩu từ Trung Quốc, Indonesia, Honduras… Đáng chú ý, nhập khẩu từ Campuchia tăng trưởng ở mức 2 con số.

Bên cạnh đó, việc Mỹ quyết định áp thuế nhập khẩu đối với các mặt hàng nhôm và thép từ Canada, Mexico và EU; cũng như thông báo áp thuế với hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc sẽ là một trong những yếu tố chính ảnh hưởng tới bức tranh thương mại dệt may thế giới trong năm 2018, trong đó có những biến động không nhỏ về nguồn cung hàng dệt may vào thị trường Mỹ. Nhiều khả năng hàng dệt may của Trung Quốc bị đưa vào danh sách các mặt hàng bị xem xét khi nhập khẩu vào thị trường Mỹ, khả năng đây sẽ là cơ hội cho các nhà cung cấp hàng may mặc khác, trong đó có Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu vào thị trường Mỹ.

Để vượt qua được khó khăn thách thức từ những yếu kếm nội tại của ngành cũng như các yếu tố khách quan từ thị trường để tận dụng được cơ hội để tăng xuất khẩu sang thị trường Mỹ nói riêng và thị trường thế giới nói chung đòi hỏi các doanh nghiệp trong ngành cần phải có chiến lược cụ thể nhằm tận dụng tối đa cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 nhằm nâng cao tính cạnh tranh, tạo sự đột phá, khác biệt so với những năm trước cũng như các đối thủ cạnh tranh.

Đồng thời các doanh nghiệp cũng cần chủ động thực hiện các giải pháp như: tăng đầu tư vào các khâu đang là nguồn cung thiếu hụt của ngành dệt may nhằm hạn chế tối đa việc nhập khẩu nguồn nguyên liệu, góp phần tăng thặng dư thương mại; Áp dụng rộng rãi mô hình quản lý Lean trong ngành may; Xây dựng doanh nghiệp theo hướng xanh, sạch, an toàn, thân thiện với môi trường, giảm thiểu tối đa áp lực về thời gian làm việc, tạo động lực làm việc cho người lao động; Phát triển ngành thời trang gồm thiết kế thời trang và kinh doanh thời trang, tăng tỷ trọng các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh theo phương thức ODM và OBM; Xây dựng chuỗi cung ứng, liên kết hợp tác trong ngành dệt may cũng như Hiệp hội ngành hàng nhằm giảm thiểu chi phí, nâng cao tính cạnh tranh của doanh nghiệp dệt may…

Nguồn: Thông tin Thương mại

Thị phần hàng may mặc của một số nhà cung cấp tại Mỹ (%)

Nhà cung cấp

2014 2015 2016 2017

2018

Trung Quốc

42,03

36,07 36,29 37,16

36,40

Việt Nam

10,73 12,36 12,87 14,11

14,22

Bangladesh

6,28

7,67 8,01 7,70

7,99

Indonesia

4,86

5,56 5,53 5,42

5,11

Ấn Độ

3,73 4,76 4,87 4,73

4,74

Cambodia

3,98

4,33 3,69 3,59

4,03

Honduras

4,23

4,08 3,80 3,86

3,50

Nguồn: Ủy ban Thương mại Quốc tế Mỹ

028.37273883