Những tác động đầu tiên của việc Mỹ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran đã bắt đầu được cảm nhận rõ không chỉ tại Iran, mà cả châu Âu và Mỹ.
Ủy viên Năng lượng châu Âu Miguel Arias Canete ngày 19/5 đã tới Iran và gặp gỡ các quan chức nước này. Ông Canete là quan chức phương Tây đầu tiên tới Iran kể từ sau quyết định của Mỹ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân lịch sử ký năm 2015 giữa Iran và nhóm P5+1.
Ảnh minh họa: Reuters
Tập đoàn năng lượng Engie của Pháp cho biết sẽ rút khỏi các hoạt động kỹ thuật tại Iran từ nay đến tháng 11. Trong một thông cáo, Giám đốc điều hành Engie Isabelle Kocher nhấn mạnh, Tập đoàn không có các cơ sở hạ tầng tại Iran, cũng như những hoạt động cần đầu tư nào khác, song lại có các nhóm kỹ sư làm việc cho các khách hàng tại Iran. Tập đoàn có 180 ngày để chấm dứt những hợp đồng này, tức là đến tháng 11 tới.
Trước đó, hồi giữa tuần, Tập đoàn dầu khí Total, cũng của Pháp khẳng định sẽ không tiếp tục một dự án khí đốt lớn tại Iran nếu không nhận được đèn xanh từ phía Mỹ.
Cùng với việc rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran hôm 8/5 vừa qua, Chính phủ Mỹ đã quyết định tái áp đặt các lệnh trừng phạt nhằm vào nước Cộng hòa Hồi giáo, cũng như tất cả các doanh nghiệp có liên hệ với nước này.
Ngày đầu tiên trong chuyến thăm Iran của Ủy viên Năng lượng châu Âu Miguel Arias Canete, Chính phủ Iran tuyên bố chờ đợi những biện pháp cụ thể của châu Âu để quyết định liệu thỏa thuận hạt nhân có thể được cứu hay không.
Trước đó, Liên minh châu Âu cho biết đang tìm kiếm “những giải pháp hữu ích nhằm cho phép Iran tiếp tục bán dầu mỏ và khí đốt, tiếp tục các giao dịch ngân hàng, duy trì các mối liên hệ đường hàng không và đường biển”.
Đồng Euro sẽ trở thành đồng ngoại tệ quan trọng cho các giao dịch dầu mỏ của Iran, được điều phối thông qua Ngân hàng trung ương châu Âu và Ngân hàng trung ương Iran.
Liên minh châu Âu cũng bắt đầu khởi động tiến trình kích hoạt “cơ chế phong tỏa” nhằm hạn chế hậu quả của những lệnh trừng phạt đối với các doanh nghiệp châu Âu muốn đầu tư tại Iran, nhất là đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Người phát ngôn Ủy viên châu Âu Mina Andreeva cho biết: “Liên minh châu Âu đã khởi động một tiến trình nhằm bảo vệ các lợi ích của các doanh nghiệp Liên minh châu Âu đầu tư tại Iran và đây là một phần nỗ lực của Liên minh châu Âu nhằm duy trì Kế hạch hành động chung toàn diện”.
Tuy nhiên, tại cuộc gặp Ủy viên Năng lượng châu Âu Canete ngày hôm qua, Iran lại đón nhận những cam kết của châu Âu một cách khá thận trọng. Theo Bộ trưởng Dầu mỏ Iran Bijaan Namdar Zanghaneh, nước này sẽ chờ đợi xem những biện pháp này có mang lại kết quả rõ ràng không.
Ông Zanghaneh cũng một lần nữa nhắc lại lập trường của Iran phản đối mọi nỗ lực nhằm đám phán lại thỏa thuận năm 2015 và khẳng định, Iran không có ý định thay đổi hạn mức xuất khẩu hiện nay, trong đó 20% sang Liên minh châu Âu và 70% sang Trung Quốc và các nước châu Á khác.
Iran hiện sản xuất 3.8 triệu thùng dầu mỗi ngày và xuất khẩu khoảng 2,6 triệu thùng mỗi ngày. Theo Bộ trưởng Dầu mỏ Iran, nước này đang đàm phán với các khách hàng châu Á, đặc biệt là Trung Quốc và Ấn Độ và không nhận thấy bất kỳ tín hiệu bất lợi nào từ phía những nước này.
Ủy viên Năng lượng châu Âu Canete thừa nhận, trọng trách là không hề dễ dàng. Bởi nhều doanh nghiệp châu Âu hoạt động tại Iran đã tuyên bố ý định rời khỏi nước này để tránh những hậu quả của các lệnh trừng phạt Mỹ./.
Nguồn tin: Vov.vn