Vụ liên kết nuôi cá tra ở An Giang: Nông dân được cứu!

 

Ngày 7.3, Tổ xử lý dự án chuỗi liên kết dọc cá tra tại An Giang đã có buổi làm việc với các hộ dân và ngân hàng để thông qua dự thảo lần 4 phương án xử lý khoản cho vay thí điểm của các hộ nuôi trong dự án này…
Phương án của tổ xử lý đã nhận được sự đồng thuận cao từ các hộ nuôi cá tra.

Tính đến ngày 28.2, tổng dư nợ của 12 hộ dân trong chuỗi liên kết sản xuất cá tra là 129,443 tỉ đồng, trong đó nợ gốc quá hạn là 68,545 tỉ đồng. Tổng số lãi vay phải trả là 3,070 tỉ đồng, trong đó lãi quá hạn phải trả là 0,312 tỉ đông. Các khoản vay bắt đầu chuyên sang nợ xấu kể từ ngày 17.2.2017.
Agribank chi nhánh An Giang đã nhiều lần tiếp xúc, làm việc với các hộ, tổ xử lý cũng đã làm việc trực tiếp với các hộ để phối hợp thực hiện cơ cấu nợ. Qua đó, các hộ chưa đồng tình phương án cơ cấu lại nợ.
Tại phương án lần này, quan điểm của tổ xử lý đưa ra là tập trung và ưu tiên xử lý theo những nội dung đơn kiến nghị của các hộ chăn nuôi trong dự án. Nguyên tắc xử lý phải đảm bảo quyền lợi của các hộ nuôi cá tra, sao cho giữ mối quan hệ hài hòa giữa ba bên: Hộ nông dân – công ty Thuận An – Agribank An Giang. Trong đó, cần có sự chia sẻ và đồng thuận tháo gỡ những khó khăn, hạn chế trong giai đoạn thí điểm giữa 3 bên, ưu tiên giải quyết phần nợ trong chuỗi trước, ngoài chuỗi sau.
Trước mắt, sẽ sử dụng nguồn thu để xử lý khoản nợ vay trong chuỗi liên kết là từ nguồn hoàn thuế VAT trong năm 2015 và năm 2016 của công ty Thuận An là 14,921 tỉ đồng. Bao gồm: Số thuế được hoàn đang bị phong tỏa tại tài khoản của công ty Thuận An mở tại Ngân hàng Ngoại thương Chi nhánh An Giang là 6,7 tỉ đồng. Thứ hai là số thuế đang được Cục Thuế tỉnh kiểm tra để hoàn tiếp cho công ty Thuận An là 4,017 tỉ đồng. Sau cùng là số thuế được hoàn, công ty Thuận An chi trả phí dịch vụ tài chính cho công ty này, hiện cũng đang phong tỏa tài khoản công ty Thuận An mở tại Ngân hàng Ngoại thương Chi nhánh An Giang là 4,2 tỉ đồng. Tuy nhiên, số tiền này đang trong thời gian khởi kiện giữa đơn vị thực hiện dịch vụ với công ty Thuận An nên rất khó để thu hồi.
Tổ xử lý cho biết, từ 3 nguồn thu từ nguồn hoàn thuế VAT nói trên, khả năng thu nắm chắc là trên 10,7 tỉ đồng. Số tiền này sẽ được chi trả cho số hộ nông dân có giá trị cá nuôi trong chuỗi bán cho công ty Thuận An lớn hơn phần nợ vay ở Agribank, hiện có 4 hộ thuộc dạng này.
Sau khi được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam phê duyệt phương án, sẽ tiến hành xác nhận nợ giữa 3 bên. Sau đó, giữa Agribank và người nuôi cá sẽ thực hiện hoàn tất cấn trừ nợ, khi đó, giữa Agribank và người nuôi cá hoàn tất các nghĩa vụ. Agribank An Giang sẽ thực hiện việc giải chấp tài sản thế chấp của 4 hộ nuôi cá theo dạng này.
Đối với 6 hộ có nợ vay lớn hơn giá trị giao cá (chêch lệch là trên 20,9 tỉ đồng), sau khi được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam phê duyệt phương án, sẽ tiến hành hoàn tất việc xác nhận nợ giữa 3 bên. Sau đó, giữa Agribank và hộ nuôi cá thực hiện việc cấn trừ nợ, khi đó sẽ hoàn tất các nghĩa vụ. Tiếp theo, Agribank An Giang thực hiện việc giải chấp tài sản thế chấp cho các hộ này.
Đối với 2 hộ nuôi cá còn lại, do có quan hệ công nợ riêng với công ty Thuận An, Agribank An Giang sẽ có phương án xử lý riêng từng trường hợp.
Buổi làm việc đã kết thúc tốt đẹp khi các hộ nuôi cá và cả phía ngân hàng đều đồng tình với phương án do tổ xử lý đưa ra. Ông Nguyễn Văn Tấn (hộ nuôi cá trong dự án) cho biết: “Nợ vay của tui lớn hơn giá trị giao cá, do vậy tui phải trả cho ngân hàng trên 800 triệu đồng, nhưng tui rất vui mừng. Bởi đơn giản, ai có nợ thì phải trả, còn không nợ thì không thể bắt nông dân trả như phương án trước đây được”.
Trao đổi với phóng viên Lao Động, ông Võ Nguyên Nam – Giám đốc Sở Công thương An Giang, Tổ trưởng tổ xử lý dự án – cho biết: “Sau buổi làm việc này, tổ sẽ có văn bản trình Ngân hàng Nhà nước Trung ương xem xét, chấp thuận phương án nói trên, nếu được thông qua chúng tôi sẽ tiến hành thực hiện ngay”.  
Trần Lưu (Báo Lao Động)

028.37273883