Trao đổi với phóng viên về đề xuất tăng khung thuế bảo vệ môi trường (BVMT) mới được đưa ra trong dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung Luật Thuế BVMT, ông Vũ Khắc Liêm – Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế, Bộ Tài chính cho biết: Đây là động thái chủ động để ứng phó với việc thuế nhập khẩu xăng, dầu giảm mạnh trong giai đoạn tới. Điều này vừa giúp đảm bảo tính ổn định của chính sách thuế, vừa hạn chế việc buôn lậu mặt hàng này qua biên giới.
Thuế BVMT với xăng đang là 3.000 đồng/lít và chỉ thay đổi khi Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho phép. Ảnh: H.Vân.
Chủ động ứng phó
Ông Vũ Khắc Liêm phân tích: Khi Việt Nam hội nhập sâu rộng, vấn đề thu chi ngân sách Nhà nước cũng phải được cơ cấu lại. Nếu như cách đây 10 năm, nguồn thu ngân sách Nhà nước phụ thuộc nhiều vào xuất nhập khẩu thì hiện nay và cả giai đoạn sắp tới, nguồn thu này sẽ giảm mạnh do các cam kết hội nhập.
Đơn cử với xăng, dầu, theo cam kết tại Hiệp định Thương mại tự do trong nội khối ASEAN (ATIGA), Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN – Trung Quốc (ACFTA) và Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN – Hàn Quốc (AKFTA), Việt Nam phải thực hiện lộ trình cắt giảm mức thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt.
Cụ thể: Trong Biểu thuế ATIGA, mức thuế nhập khẩu đối với các loại dầu là 0%, các loại xăng về 8% vào năm 2021, về 5% vào năm 2023 và 0% vào năm 2024. Trong Biểu thuế ACFTA, mức thuế đối với một số loại dầu về 5% và 8% vào năm 2016. Trong Biểu thuế AKFTA, mức thuế đối với các loại dầu về 0%; các loại xăng về 10% vào năm 2018 và về 8% vào năm 2021.
Điều đó đồng nghĩa, tùy từng thời kỳ, giai đoạn của kinh tế đất nước, Nhà nước cần phải điều chỉnh các sắc thuế khác, trong đó có thuế BVMT để thay thế thuế nhập khẩu phải cắt giảm dần theo cam kết quốc tế để đảm bảo sự ổn định của chính sách thuế.
Mặt khác, giá bán lẻ xăng, dầu ở Việt Nam cơ bản đang thấp hơn so với các nước có chung đường biên giới nói riêng và nhiều nước khác trong khu vực ASEAN, châu Á nói chung nên việc dùng thuế nội địa bù đắp thuế nhập khẩu cũng giúp giá xăng duy trì sự ổn định, phù hợp với mức giá của các nước xung quanh nhằm hạn chế tình trạng buôn lậu xăng, dầu.
Theo quy định hiện hành, mức thuế BVMT đang được áp dụng cụ thể đối với các mặt hàng xăng, dầu đã bằng hoặc gần bằng mức trần trong khung thuế. Như vậy, trường hợp cần thiết phải điều chỉnh mức thuế BVMT đối với xăng, dầu để phù hợp với chính sách phát triển kinh tế – xã hội của Nhà nước trong từng thời kỳ là rất khó. Do đó, việc điều chỉnh khung thuế BVMT để làm cơ sở điều chỉnh mức thuế cụ thể trong giai đoạn tới là hết sức cần thiết.
Trước mắt, Bộ Tài chính đề xuất mức thuế đối với xăng, dầu, mỡ nhờn sẽ điều chỉnh theo hướng mức thuế tối thiểu bằng mức thuế cụ thể đang áp dụng. Mức thuế tối đa bằng 2 lần mức thuế tối đa trong khung thuế hiện hành. Có nghĩa là, khung thuế đối với mặt hàng xăng, trừ ethanol ở mức 3.000-8.000 đồng/lít, nhiên liệu bay 3.000-6.000 đồng/lít, dầu diesel 1.500-4.000 đồng/lít; xăng E5, E10 2.700 – 7.200 đồng/lít và 2.500-6.800 đồng/lít… Riêng dầu hỏa giữ như khung thuế hiện hành, vì dầu hỏa là mặt hàng thiết yếu phục vụ cho đa số người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng sâu, vùng xa.
Hiện nay, Luật Thuế BVMT quy định biểu khung mức thuế đối với xăng từ 1.000 đồng đến 4.000 đồng/lít, mức đang áp dụng là 3.000 đồng/lít. Khung thuế với nhiên liệu bay từ 1.000 đồng đến 3.000 đồng/lít, mức đang áp dụng là 3.000 đồng/lít.
“Tôi xin nhấn mạnh đây là đề xuất tăng khung thuế suất để có thể chủ động cho việc điều chỉnh giai đoạn sau chứ không phải tăng mức thuế suất cụ thể. Nếu tình hình cần thiết, Bộ Tài chính sẽ trình Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội điều chỉnh mức thu cụ thể để phù hợp với chính sách phát triển kinh tế – xã hội trong từng thời kỳ. Do đó, đề xuất này không gây ảnh hưởng gì tới mức thuế cũng như giá cả hiện tại” – ông Liêm nói.
Hài hòa lợi ích
Trả lời băn khoăn về việc điều chỉnh khung để chuẩn bị cho việc điều chỉnh mức thuế sau này khi thuế nhập khẩu giảm sẽ không phù hợp với tinh thần hỗ trợ tối đa cho doanh nghiệp của Chính phủ hiện nay, đại diện Vụ Chính sách thuế cho rằng: Quan điểm Bộ Tài chính là vẫn thực hiện đúng, thực hiện nghiêm Nghị quyết của Chính phủ về việc xây dựng và áp dụng các chính sách ưu đãi về tài chính, tín dụng, thuế, phí để thúc đẩy phát triển doanh nghiệp.
“Tuy vậy việc hỗ trợ cũng phải đúng mục tiêu, đúng đối tượng và đảm bảo lợi ích chung của nền kinh tế, không thể hỗ trợ chung chung được. Nói cách khác, không phải cứ giảm thuế để xăng, dầu giá rẻ là hỗ trợ doanh nghiệp. Chúng ta còn các doanh nghiệp sản xuất xăng, dầu trong nước; còn đảm bảo nhiệm vụ thu chi ngân sách Nhà nước. Do đó, việc điều chỉnh chính sách thuế cần phải hài hòa lợi ích giữa người dân, doanh nghiệp và Nhà nước” – ông Vũ Khắc Liêm khẳng định.
Giải thích thêm về lý do xây dựng dự án Luật này, ông cho hay: Hiện nay, môi trường đang tiếp tục xuống cấp đã đặt ra những thách thức đối với sự phát triển kinh tế bền vững của Việt Nam trong thời gian tới. Nếu không kịp thời có các giải pháp giảm dần tình trạng lượng phát thải chất độc hại thì nguy cơ ô nhiễm sẽ ngày càng gia tăng.
Mặt khác, cùng với tinh thần ứng phó với những tác động của hội nhập quốc tế như đã nêu trên, Bộ Tài chính qua tổng kết, đánh giá tình hình gần 5 năm triển khai thực hiện Luật cho thấy chính sách thuế BVMT đã phát sinh những vướng mắc và hạn chế cần được hoàn thiện.
“Hiện nay, theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật mới, Bộ Tài chính mới đang lấy ý kiến bộ, ngành, tổ chức, cá nhân để trình các cấp đưa dự án Luật sửa đổi, bổ sung Luật thuế BVMT vào chương trình xây dựng Luật năm 2017. Sau khi được phê duyệt thì dự án mới chính thức được triển khai” – ông Liêm nhấn mạnh.
Nguồn tin: Baohaiquan