Đột ngôt tăng thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu, hệ lụy rất khó lường

 Các chuyên gia kinh tế cảnh báo, nếu tăng thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu sẽ thu được một khoản tiền, nhưng rất có thể tạo ra nhiều hệ lụy khó lường. 

Xăng dầu tăng giá, nhiều mặt hàng khác sẽ đồng loạt tăng giá

Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung Luật thuế bảo vệ môi trường do Bộ Tài chính đưa ra có sự điều chỉnh về mức thuế bảo vệ môi trường với xăng.

Theo đó thay vì mức 1.000 – 4.000 đồng/lít hiện nay dự thảo Luật thuế bảo vệ môi trường đưa ra khung mức thuế áp dụng cho xăng (trừ ethanol) là 3.000 – 8.000 đồng/lít.

Nhìn vào việc tăng mức thuế bảo vệ môi trường cho xăng trong dự thảo Luật thuế bảo vệ môi trường của Bộ Tài chính, PGS.TS Ngô Trí Long – nguyên Viện trưởng Viện giá cả (Bộ Tài chính) cho rằng, dù chỉ là dự thảo nhưng như vậy có nghĩa thời gian tới mức thuế bảo vệ môi trường với xăng sẽ có khả năng sẽ tăng.


Việc tăng thuế bảo vệ môi trường ở mức nào Bộ Tài chính cần có những đánh giá khách quan – ảnh minh họa/ nguồn H.Lực/giaoduc.net.vn


“Vấn đề đặt ra ở đây là dự thảo đưa ra mức tăng như vậy đã hợp lý chưa?”, PGS.TS Ngô Trí Long đặt câu hỏi.

Theo PGS. Ngô Trí Long, trong bối cảnh hiện nay bảo vệ môi trường, hệ sinh thái là cần thiết tạo tăng trưởng bền vững, tuy nhiên bảo vệ môi trường có rất nhiều công cụ.

Trong các biện pháp pháp bảo vệ môi trường có nhiều cách, trước tiên bảo vệ môi trường phải thanh tra xử lý thật nặng đối với doanh nghiệp gây ô nhiễm môi trường.

Vấn đề này hiện nay làm chưa rốt ráo, ở nhiều địa phương tình trạng xả thải bừa bãi ra môi trường vẫn còn đó, phát triển kinh tế trước mắt nhưng về lâu dài sẽ phải gánh chịu hậu quả nặng nề.

Mặt khác, để bảo vệ môi trường phải hướng đến sản phẩm tiêu dùng ảnh hưởng đến môi trường trong đó có xăng dầu.

“Cho nên việc đánh thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu là cần thiết, nhưng ở mức độ nào phải tính toán. Với bối cảnh hiện nay câu hỏi đặt ra là xăng đã cần phải đánh thuế bảo vệ môi trường hay chưa?”, PGS.Long nói.


                                   PGS.TS Ngô Trí Long: Với bối cảnh hiện nay câu hỏi đặt ra là xăng đã cần phải đánh thuế bảo vệ môi trường hay chưa? – ảnh nguồn Doanh nghiệp Việt Nam.


PGS.Ngô Trí Long cho biết, trên thế giới có rất ít quốc gia đánh thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu, trong đó có Việt Nam.

Vừa qua, thuế bảo vệ môi trường tăng từ 1.000 đồng lên 3.000 đồng/lít đã tác động rất lớn đến giá xăng. Nếu áp dụng khung mức thuế từ 3.000 đồng đến 8.000 đồng/lít giá xăng sẽ tiếp tục tăng mạnh.

Điều đó gây ảnh hưởng lớn tới đầu vào của các doanh nghiệp vận tải, các doanh nghiệp sản xuất… và như vậy giá của nhiều mặt hàng sẽ tăng theo. Lúc ấy, Chính phủ sẽ phải đối diện với bài toán lạm phát.

Theo PGS. Long, mức tính thuế bảo vệ môi trường đưa ra giá trị tuyệt đối như dự thảo là không nên.

“Thay vì đánh thuế chỉ định con số 3.000 đồng/lít hay 8.000 đồng/lít Bộ Tài chính chỉ nên đánh thuế với giá trị tương đối tức bằng bao nhiêu phần trăm giá xăng nhập”, PGS. Long cho biết.

Cũng theo PGS. Ngô Trí Long hiện nay giá xăng nhập vào chỉ ở ngưỡng hơn 7.000 đồng/lít, nếu bây giờ đánh thuế bảo vệ xăng dầu lên đến 8.000 đồng/lít tức hơn cả giá xăng nhập khẩu.

Hiện 1 lít xăng chịu tác động 10 yếu tố trong đó có phí thuế, chi phí kinh doanh, lãi, lợi nhuận, định mức, quỹ bình ổn… cộng vào.

Trong đó phí và thuế trên xăng dầu hiện nay quá nhiều tác động đến giá bán.

Một lít xăng phải chịu thuế nhập khẩu, thuế VAT, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế bảo vệ môi trường rồi phải trích là quỹ bình ổn giá.

“Thời gian vừa rồi, mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu tăng từ 1.000 đồng lên 3.000 đồng đã buộc các thành viên Quốc hội đã chất vấn rất nhiều.

Thời điểm đó, ông Nguyễn Sinh Hùng là Chủ tịch Quốc hội đã hỏi Bộ trưởng Bộ Tài chính liệu giá xăng có tăng không, Bộ trưởng Bộ Tài chính khẳng định không tăng nhưng cuối cùng giá xăng vẫn tăng.

Như vậy nếu áp dụng mức khung thuế bảo vệ môi trường mới giá xăng chắc chắn tăng”, PGS.TS Ngô Trí Long cho biết.

Dù mới là dự thảo đã khiến nhiều người lo lắng

Theo ông Ngô Trí Long hiện nay giá xăng dầu đang giảm do các hiệp định thương mại tự do nên Bộ Tài chính tính đến việc áp dụng các thuế khác.

Tuy nhiên, dùng thuế nào cũng phải có mức độ để hài hòa lợi ích giữa nhà nước, doanh nghiệp và người tiêu dùng.

Suy cho cùng mọi chính sách đưa ra là để phục vụ người dân và doanh nghiệp, cho nên chính sách là phải tạo sự thuận lợi chứ không phải chưa ban hành, chỉ mới ở mức dự thảo đã khiến cho nhiều người lo lắng.

Đồng quan điểm, theo PGS.TS Phạm Quý Thọ hiện nay năng lực cạnh tranh doanh nghiệp Việt Nam thấp do năng suất lao động và đầu vào tăng.

Đầu vào trong đó có giá nguyên liệu xăng dầu, như vậy nếu tăng thuế bảo vệ môi trường sẽ đẩy giá xăng tăng gây khó khăn cho doanh nghiệp

PGS.TS Phạm Quý Thọ cho rằng, trong các đợt điều chỉnh giá xăng dầu gần đây giá xăng liên tục tăng và xu hướng tăng sẽ diễn ra trong năm 2017.

Vì vậy, nếu mức khung thuế bảo vệ môi trường được điều chỉnh như dự thảo Bộ Tài chính đưa ra dù không tăng kịch trần 8.000 đồng/lít mà chỉ tăng mức 6.000 đồng hay 7.000 đồng/lít đã gây khó cho doanh nghiệp.

Cũng theo ông Phạm Quý Thọ dù nguồn thu ngân sách bị ảnh hưởng nhưng không nên vì thế mà tăng mức thuế bảo vệ môi trường cho mặt hàng xăng, dầu.

PGS.TS Phạm Quý Thọ phân tích, trước đây khi điều chỉnh mức thuế bảo vệ môi trường từ 1.000 đồng/lít lên 3.000 đồng/lít con số dư ra đã làm gì để cải tạo môi trường chưa rõ thì nay lại điều chỉnh tăng lên, vậy tăng thuế bảo vệ môi trường để làm gì?

Nếu chỉ tăng nguồn thu thì không nên vì dù tăng thuế bảo vệ môi trường đồng nghĩa giá xăng tăng nhưng thị trường vẫn phải chấp nhận, giá xăng tăng cao người dân phải chịu. Hậu quả gây ra là tăng trưởng thấp, đời sống người dân gặp khó khăn.

Theo ông Thọ, dự thảo cần xem lại mức khung tăng thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu để hài hòa lợi ích doanh nghiệp và người dân.

Cần phải minh bạch các khoản thu thuế môi trường đối với xăng dầu nhiều năm qua thực chất đã làm được gì tốt cho môi trường?

Nguồn tin: Giaoduc

028.37273883