Tổng thống Mỹ sắp mãn nhiệm Barack Obama ra lệnh cấm khai thác dầu khí vĩnh viễn tại “phần lớn” vùng biển phía Bắc do Mỹ sở hữu, theo BBC.
Ông Obama xác định một số khu vực biển Bắc cực và Đại Tây Dương không được phép cho thuê trong tương lai.
Động thái này được xem là nỗ lực bảo vệ khu vực này trước khi ông Obama rời nhiệm sở tháng Giêng.
Những người ủng hộ Tổng thống đắc cử Donald Trump cho rằng rất khó để đảo ngược quyết định này.
Canada cũng cam kết biện pháp tương tự trong vùng biển Bắc cực do nước này sở hữu, trong tuyên bố chung với Washington.
Nhà Trắng cho biết quyết định này nhằm hướng đến “hệ sinh thái và nền kinh tế Bắc Cực mạnh mẽ, bền vững và khả thi.”
Nhà Trắng giải thích một số lý do của lệnh cấm là nhu cầu văn hóa bản địa, quan ngại về động vật hoang dã và nguy cơ tổn thương tài nguyên trong trường hợp xảy ra sự cố tràn dầu tại khu vực này.
Nhưng trong khi Canada cân nhắc động thái này mỗi 5 năm, Nhà Trắng khẳng định lệnh cấm của ông Obama là vĩnh viễn.
‘Quan ngại’
Quyết định trên căn cứ vào một đạo luật năm 1953 cho phép Tổng thống Mỹ ra lệnh cấm cho thuê tài nguyên biển vô thời hạn.
Trong chiến dịch tranh cử, Donald Trump cho biết ông sẽ tận dụng lợi thế của Mỹ về trữ lượng dầu mỏ, gây quan ngại cho các nhóm bảo vệ môi trường.
Nhưng những người ủng hộ ông nhận định rằng bất kỳ nỗ lực nào nhằm đảo ngược quyết định của ông Obama sẽ đem đến thách thức pháp lý.
Phản ứng trước tuyên bố Bắc Cực, nhóm Friends of the Earth cho biết: “Chưa từng có tổng thống nào hủy bỏ một lệnh thu hồi vĩnh viễn hoạt động khai thác dầu khí ngoài khơi của người tiền nhiệm.”
“Nếu Donald Trump cố gắng đảo ngược lệnh cấm của Tổng thống Obama, ông ấy sẽ phải ra hầu tòa.”
Tuy nhiên, Viện Dầu khí Hoa Kỳ cho rằng: “Không có khái niệm lệnh cấm vĩnh viễn”, và họ hy vọng rằng chính quyền của ông Trump sẽ đảo ngược quyết định này.
Ông Trump cũng đã khiến một số nhà vận động môi trường quan ngại về lựa chọn nhân sự cấp cao của Nhà Trắng.
Rex Tillerson, giám đốc công ty dầu khí Exxon Mobil, được bổ nhiệm làm ngoại trưởng.
Rất ít khi có hoạt động khai thác dầu ở Bắc Cực vì việc này tốn kém và nhiều trở ngại hơn tại các khu vực khác.
NGuồn tin: bizlive