Trong khi cơ quan quản lý khẳng định hàng nông sản nhập khẩu, trong đó có hàng Trung Quốc (TQ), đều được kiểm soát, nhiều chuyên gia cho rằng chất lượng hàng nông sản TQ vào Việt Nam đã bị thả nổi.
Người tiêu dùng chọn mua nấm trong siêu thị, trong đó có bán nhiều loại nấm Trung Quốc – Ảnh: Duyên Phan
Nhiều người tiêu dùng, chuyên gia băn khoăn khi nông sản TQ nhập khẩu đều được kiểm tra an toàn thực phẩm, có nghĩa chúng đều an toàn.
Ông Hoàng Trung
(cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật, Bộ NN&PTNT): Không có chuyện “thả cửa” cho nông sản TQ
Về mặt nguyên tắc, tất cả lô hàng thuộc diện phải kiểm dịch thực vật để nhập vào Việt Nam thì chủ hàng phải khai báo với cơ quan kiểm dịch ngay tại cửa khẩu. Ngoài ra còn phải lưu mẫu đưa về Hà Nội kiểm tra an toàn thực phẩm nữa.
Đây là việc bắt buộc phải làm. Nếu không khai báo, không có giấy chứng nhận kiểm dịch sẽ không thể đủ thủ tục để thông quan.
Sau khi khai báo xong, cán bộ kiểm dịch sẽ cùng chủ hàng ra xe có lô hàng đó kiểm tra sơ bộ và để biết đó là hàng gì, số lượng bao nhiêu, lấy mẫu như thế nào.
Sau đó, họ mang về phòng phân tích giám định làm ngay. Căn cứ vào kết quả sẽ cấp giấy chứng nhận kiểm dịch. Lúc đó mới hoàn tất chứng thư chuyển qua hải quan để thông quan.
TS Võ Mai (phó chủ tịch
Hội Làm vườn Việt Nam): Chỉ kiểm soát được ở cửa khẩu lớn
Nông sản TQ vào Việt Nam quá dễ dàng từ nhiều chục năm qua. Chúng ta chỉ kiểm soát được ở các cửa khẩu lớn, trong khi đường biên giới rất dài. Tôi ước tính có khoảng 70% nông sản TQ vào Việt Nam không thể kiểm soát được.
Nhiều người biết nông sản TQ không an toàn, có tẩm ướp nhưng vẫn mua vì giá quá rẻ, mẫu mã lại đẹp. Chúng ta phát động người Việt ưu tiên dùng hàng Việt, nhưng chưa chú ý nhiều đến nông sản thực phẩm. Trong khi đây là mặt hàng người dân rất quan tâm bởi gắn với sức khỏe.
Theo tôi, Bộ Công thương và Bộ NN&PTNT phải ngồi lại với nhau, đặt hàng hoặc tổ chức sản xuất quy mô lớn, giảm giá thành, mẫu mã đẹp… rồi xây dựng chuỗi cung ứng. Nếu cứ nói hoài mà không làm gì, người Việt vẫn sẽ tiếp tục dùng nông sản TQ.
Ông Phan Hoàn Kiếm(chi cục trưởng Chi cục QLTT TP.HCM): Hàng TQ “đội lốt”
hàng Việt, Mỹ, Thái…
Thời gian qua, lực lượng QLTT đã phát hiện việc “phù phép” nhãn mác, biến nông sản TQ thành hàng Việt Nam, New Zealand, Mỹ, Thái… Họ làm rất tinh vi. Hàng thường có hồ sơ nhập khẩu đầy đủ. Khi đưa đi bán lẻ ở các chợ, siêu thị… mới được dán nhãn mác “phù phép” nên rất khó phát hiện.
Riêng với nấm ăn, cơ quan chức năng rất khó phân biệt sản xuất ở đâu. Do vậy cần có sự phối hợp của các cơ quan chuyên môn nhằm kiểm định xác định xuất xứ cũng như chất lượng.
Một số vụ có lượng hàng hóa lớn từ TQ không có giấy tờ rõ ràng đã “lọt” qua nhiều khâu, nhiều cơ quan kiểm tra trên một đoạn đường dài để vào tận TP.HCM. Nếu kiểm soát chặt ở gốc thì thực phẩm bẩn sẽ không thể lọt tới phần ngọn
TP.HCM được.
Chị Phạm Thị Tuyết Linh (người tiêu dùng ở TP.HCM): Kiểm soát chặt
cho dân nhờ
Tôi thường mua nấm ở siêu thị. Ngoài các sản phẩm được ghi rõ xuất xứ TQ, một số sản phẩm ghi trên nhãn là nấm Hàn Quốc, Nhật Bản… nhưng giá khá rẻ, hạn sử dụng chỉ bảy ngày.
Nếu nhập từ Hàn Quốc hay Nhật Bản bằng đường biển phải mất không dưới 10 ngày mới tới. Còn nhập bằng đường hàng không chi phí đội lên rất cao, không thể có giá “bèo” vậy được.
Tôi rất ngại khi mua phải nông sản TQ. Nhưng khi mua hàng, tôi chỉ biết căn cứ vào thông tin trên bao bì, nhãn hiệu của doanh nghiệp nhập khẩu, phân phối. Do vậy, tốt nhất là cơ quan chức năng kiểm dịch, kiểm soát phải làm chặt để ngăn chặn hàng đội
lốt thương hiệu có uy tín, an toàn.
Ông Lê Minh Khánh
(phó giám đốc Sở NN&PTNT
tỉnh Tiền Giang): Cục đã kiểm dịch hàng Trung Quốc ở cửa khẩu
Từ đầu năm 2016 đến nay, Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản (Sở NN&PTNT) chỉ tập trung lấy mẫu kiểm tra nông sản của địa phương, chưa kiểm tra mẫu nông sản TQ do nông sản TQ đã được các cơ quan của Cục Bảo vệ thực vật kiểm dịch tại các cửa khẩu.
Mặt khác, kinh phí cho lấy mẫu, xét nghiệm hạn hẹp, nhân lực mỏng, trong khi việc quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản của địa phương rất nhiều.
Tôi biết hàng nông sản TQ bán nhiều ở Tiền Giang, cũng nghe người dân nói họ không yên tâm. Tới đây, chúng tôi sẽ phối hợp lấy mẫu kiểm tra và có thông tin chính thức đến người tiêu dùng.
Nhiều đợt
kiểm tra dư lượng nông sản Trung Quốc
Chi cục Bảo vệ thực vật TP.HCM cho biết thời gian qua đã tổ chức nhiều đợt thanh tra về kinh doanh các loại nấm (kim châm, đùi gà, linh chi trắng, đông cô tươi) xuất xứ TQ của năm đơn vị thường xuyên cung ứng vào các siêu thị trên địa bàn TP.HCM.
Trong năm mẫu nấm gửi phân tích có bốn mẫu không phát hiện dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, một mẫu tồn dư hoạt chất Carbendazim nhưng không quá giới hạn cho phép.
Tương tự, các loại trái cây như lê, lựu, táo, nho, quýt, mận, hồng… có xuất xứ từ TQ cũng được lấy mẫu phân tích định lượng các hoạt chất thuốc bảo vệ thực vật và chỉ tiêu an toàn thực phẩm.
Qua đó phát hiện 12 trên tổng số 50 mẫu có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật nhưng trong phạm vi cho phép (14 mẫu chưa có kết quả). Các loại trái cây phát hiện dư lượng thuốc bảo vệ thực vật gồm táo, lê, quýt. H.Lộc
Ông Nguyễn Bảo Ngọc (chi cục trưởng Hải quan Tân Thanh, Lạng Sơn): Hoa quả TQ thuộc nhóm hàng
phải kiểm soát chặt
Các mặt hàng hoa quả, nông sản TQ thường xuyên được nhập khẩu qua Hải quan Tân Thanh nhiều năm nay và giá khai báo khá ổn định.
Cụ thể, tính từ đầu năm đến ngày 24-11 có hơn 59.400 tấn tỏi (trị giá khai báo là 250 USD/tấn), hơn 9.568 tấn nấm các loại (400-3.500 USD/tấn), 276 tấn bưởi (160 USD/tấn) được nhập khẩu…
Theo quy định, hoa quả các loại được xếp vào nhóm mặt hàng tiêu dùng, cơ quan hải quan phải giám sát chặt, chỉ cho thông quan với những lô có đầy đủ giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật nhập khẩu, giấy chứng nhận kiểm tra an toàn thực phẩm… Những lô hàng có nghi vấn về trọng lượng cũng sẽ được kiểm tra thực tế. L.Thanh
V.Tr – H.Lộc – Đ.Bình (Báo Tuổi Trẻ)