Quyết định rút khỏi dự án khai thác mỏ dầu Cambo của Royal Dutch Shell được đưa ra sau khi các nước đã nhất trí hạn chế sử dụng nhiên liệu hóa thạch tại COP26.
Tập đoàn năng lượng Royal Dutch Shell của Anh và Hà Lan đã rút khỏi dự án khai thác mỏ dầu Cambo ở Scotland do lợi ích tài chính không đảm bảo, khi các công ty năng lượng đứng trước sức ép lớn trong việc phải chuyển đổi sang các nhiên liệu sạch hơn.
Shell, tập đoàn có 30% cổ phần trong dự án, trong thông báo vào cuối ngày 2/12 cho biết lợi nhuận từ việc đầu tư là không đủ lớn.
Quyết định trên được đưa ra sau khi các nước đã nhất trí hạn chế sử dụng nhiên liệu hóa thạch tại Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu tại Scotland, Vương quốc Anh vào tháng trước.
[Tập đoàn Shell công bố kế hoạch chuyển trụ sở từ Hà Lan sang Anh]
Shell đối mặt với sức ép gia tăng từ các nhà hoạt động môi trường về cách thức hoạt động của tập đoàn, khi thế giới đang hướng đến các mục tiêu không phát thải ròng.
Việc khai thác mỏ Cambo, hiện vẫn đang chờ sự phê chuẩn của Chính phủ Anh, đã vấp phải sự phản đối của các nhà hoạt động môi trường cũng như của Thủ hiến Scotland, Nicola Sturgeon, do các vấn đề về môi trường.
Theo một tuyên bố của Shell, sau khi đánh giá toàn diện đề xuất khai thác mỏ Cambo, tập đoàn nhận thấy lợi ích kinh tế từ việc đầu tư vào dự án này là không đủ lớn ở thời điểm này cũng như có khả năng sẽ có những chậm trễ.
Siccar Energy, công ty nắm 70% cổ phần còn lại trong dự án, bày tỏ sự thất vọng trước quyết định của Shell.
Tổ chức bảo vệ môi trường Hòa bình Xanh cho rằng quyết định trên đã “khai tử” dự án, nơi có trữ lượng tương đương 800 triệu thùng dầu./.