Do phải vật lộn để tồn tại trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt nên một số cây lương thực có thể sản sinh ra nhiều độc tố có hại cho người và vật nuôi.
Theo báo cáo của Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP), hạn hán và nhiệt độ cao gây ra sự tích tụ của các thành phần độc hại tiềm ẩn trong cây trồng – tương tự khi con người bị stress.
Báo cáo nhận định và đề xuất các giải pháp cho các vấn đề đang nổi lên trong bối cảnh biến đổi khí hậu, trong đó bao gồm độc tính theo mùa vụ, các bệnh lây từ động vật và ô nhiễm do nhựa công nghiệp gây ra.
Cây lương thực đang chịu ảnh hưởng sâu sắc của biến đổi khí hậu (Nguồn: Tech Times) |
Theo báo cáo trên, lúa mì, lúa mạch, ngô và kê là những loại cây trồng dễ tích lũy nitrat, do hậu quả của hạn hán kéo dài. Ở động vật, ngộ độc nitrate cấp tính có thể gây sẩy thai, ngạt thở và thậm chí tử vong. Nó cũng có thể hủy hoại cuộc sống và sinh kế của nông dân và người chăn nuôi.
Mưa lớn sau một đợt hạn hán kéo dài cũng có thể dẫn đến sự tích tụ của hydrogen cyanide hoặc axit prussic trong hạt ngô, lúa, táo, anh đào và một số loài cây trồng khác.
Độc tố vi nấm aflatoxin cũng có thể được sản sinh trong quá trình các cây ngũ cốc chống chọi với biến đổi khí hậu. Loại nấm này gây bệnh ung thư ở người và cản trở sự phát triển của thai nhi.
Bà Jacqueline McGlade, nhà khoa học của UNEP cho biết, khoảng 4,5 tỷ người ở các nước đang phát triển phải tiếp xúc với aflatoxin mỗi năm, mặc dù con số thực tế có thể cao hơn.
“Theo một nghiên cứu gần đây, các độc tố aflatoxin cũng được coi như một mối đe dọa an toàn thực phẩm của châu Âu, đặc biệt là trong bối cảnh nhiệt độ toàn cầu đang tăng dần lên” – bà McGlade cho biết.
Trung Hiếu – TGVN, theo TechTimes.