Trong bối cảnh cộng đồng doanh nghiệp đang nỗ lực hồi phục sản xuất – kinh doanh thì việc phải tốn chi phí cho các loại thuế, phí trong giá xăng dầu là chưa “hợp tình hợp lý”
Khi chưa trả xăng dầu về với thị trường, trong lúc giá xăng thế giới liên tục tăng cao và các công cụ bình ổn giá khác đã hết dư địa, giảm thuế là phương án cần thiết để “giảm sốt” giá xăng. Mặt khác, do giá xăng dầu đang chịu gánh nặng rất lớn từ hàng loạt chi phí như thuế, phí, lợi nhuận định mức… nên việc giảm thuế cũng cần được xem xét ngay cả khi giá xăng dầu trên thị trường thế giới không tăng cao.
Giá càng giảm thuế càng cao
Theo tìm hiểu của phóng viên, cơ cấu giá xăng gồm: giá CIF tính thuế (giá xăng nhập khẩu đã bao gồm chi phí vận chuyển), thuế nhập khẩu (10%), thuế GTGT (10%), thuế tiêu thụ đặc biệt (lần lượt 10% và 8% với xăng RON95 và E5), thuế bảo vệ môi trường (3.800 đồng/lít với xăng E5 và 4.000 đồng/lít với RON95). Chưa hết, mỗi lít xăng còn gánh chi phí định mức kinh doanh 1.050-1.250 đồng, lợi nhuận định mức 300 đồng và trích lập Quỹ Bình ổn giá xăng dầu (BOG) theo điều hành thực tế của cơ quan quản lý.
Trong đó, thuế bảo vệ môi trường được coi là loại thuế đánh nặng nhất vào các mặt hàng xăng dầu. Chẳng hạn, với giá xăng RON95 là 24.996 đồng/lít và E5RON95 là 23.669 đồng/lít tại kỳ điều hành gần đây nhất vào ngày 10-11, thuế bảo vệ môi trường đang chiếm khoảng 16% giá bán lẻ các loại xăng.
Đáng lưu ý, khác với các loại thuế tính trên giá CIF với đặc điểm tăng giảm theo biến động giá trên thị trường, thuế bảo vệ môi trường là khoản tiền cố định nên khi giá xăng càng giảm thì tỉ lệ loại thuế này trong cơ cấu giá càng cao. Chẳng hạn, khi giá xăng RON95 lao dốc xuống còn hơn 12.000 đồng/lít vào hồi tháng 3-2020, chỉ riêng thuế bảo vệ môi trường đã chiếm đến gần 1/3 giá bán lẻ. Thậm chí, có những thời điểm, tỉ trọng của loại thuế này trong mỗi lít xăng được ghi nhận còn cao hơn nữa.
Cũng vào thời điểm tháng 3-2020, theo tính toán của Bộ Công Thương, tỉ trọng các loại thuế, phí trong giá xăng lên tới 55%-60%, trong giá dầu là 35%-40%. Trong đó, riêng thuế bảo vệ môi trường chiếm 32% giá xăng, 11%-20% giá dầu. Do đó, Bộ Công Thương đề xuất Chính phủ xem xét, chỉ đạo Bộ Tài chính nghiên cứu, trình phương án giảm thuế bảo vệ môi trường đối với mặt hàng xăng dầu ở mức phù hợp.
Đặc biệt, đề nghị giảm thêm tiền thuế bảo vệ môi trường đối với xăng E5 để tương xứng với ý nghĩa của nó trong góp phần giảm ô nhiễm môi trường và tạo chênh lệch giá rõ ràng để khuyến khích sử dụng. Tuy nhiên đến nay, sắc thuế này vẫn được giữ nguyên theo khung quy định tại Luật Thuế Bảo vệ môi trường có hiệu lực từ ngày 1-1-2012 và được Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định mức cụ thể.
Nên giảm thuế xăng dầu nhiều hơn nữa ngay cả khi giá mặt hàng này không tăng cao. Ảnh: TẤN THẠNH
Không thể chần chừ
Các chuyên gia kinh tế bày tỏ đồng tình với việc đánh thuế bảo vệ môi trường lên những mặt hàng gây ô nhiễm và đánh giá đây là nguồn thu có ý nghĩa để bổ sung cho công tác chi vì môi trường. Tuy nhiên, mức thuế bảo vệ môi trường đối với mặt hàng xăng dầu cần được xem xét, điều chỉnh phù hợp để tránh tình trạng chồng chéo và góp phần chia sẻ với khó khăn của người dân, doanh nghiệp (DN) trong bối cảnh dịch Covid-19 gây tác động nặng nề.
Nguồn tin: Người lao động