Định giá cổ phiếu ngành dầu khí đã được nâng lên nhờ sự phục hồi mạnh mẽ của giá dầu, thêm thanh khoản dồi dào đổ vào thị trường chứng khoán.
Nhu cầu xăng dầu hồi phục đã thúc đẩy dầu tăng giá, từ đó giúp nhiều doanh nghiệp dầu khí chuyển từ lỗ nặng trong năm 2020 sang lãi đậm ở những tháng đầu năm 2021. Giới phân tích cho rằng, định giá cổ phiếu ngành dầu khí đã được nâng lên nhờ sự phục hồi mạnh mẽ của giá dầu, thêm thanh khoản dồi dào đổ vào thị trường chứng khoán.
*Tăng lợi nhuận bất chấp dịch
Nếu năm 2020, nhiều doanh nghiệp lớn của ngành dầu khí có lợi nhuận giảm mạnh, thậm chí là lỗ nặng vì chịu ảnh hưởng từ sự sụt giảm của giá dầu thì trong những tháng đầu năm 2021, chính những doanh nghiệp này lại hưởng lợi từ giá dầu tăng và có lãi trở lại.
Các doanh nghiệp này có thể kể đến như: Công ty cổ phần Lọc hoá dầu Bình Sơn (mã chứng khoán: BSR), Tổng công ty Dầu Việt Nam – CTCP (mã chứng khoán: OIL), Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam -Petrolimex (mã chứng khoán: PLX), Tổng công ty Thương mại Xuất nhập khẩu Thanh Lễ – CTCP (mã chứng khoán: TLP), Công ty cổ phần Kinh doanh khí Miền Nam (mã chứng khoán: PGS). Các doanh nghiệp đều có lợi nhuận tăng trưởng mạnh trong quý I/2021, trái ngược với tình hình kinh doanh “bết bát” năm 2020.
Trường hợp của Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam – Petrolimex (mã chứng khoán: PLX), quý I/2021 là một điển hình với lợi nhuận trước thuế khá tích cực đạt 1.013 tỷ đồng, đối lập với khoản lỗ 1.702 tỷ đồng so với cùng kỳ năm ngoái. Kết quả lạc quan này bất chấp dịch COVID-19 đã diễn ra phức tạp trong tháng 1/2021.
Tại quý đầu năm 2021, sản lượng trong nước của Petrolimex duy trì đà tích cực khi tăng 4,7% so với cùng kỳ và đạt 2,27 triệu m3. Riêng kênh bán lẻ chiếm khoảng từ 55 – 60% sản lượng tiêu thụ của PLX, nhưng đóng góp khoảng 80% lợi nhuận.
Theo Công ty cổ phần Chứng khoán SSI, thậm chí đà tăng tốc sản lượng của Petrolimex còn kéo dài đến nửa đầu quý II nhờ Chính phủ thắt chặt việc kiểm soát xăng dầu lậu, đặc biệt ở khu vực miền Nam.
Đối với Công ty cổ phần Lọc hoá Dầu Bình Sơn, doanh nghiệp này báo lỗ trước thuế 2.800 tỷ đồng trong năm 2020. Đây là năm đầu tiên công ty báo lỗ kể từ năm 2013.
Trái ngược với kết quả làm ăn thua lỗ trong năm 2020, doanh thu của doanh nghiệp trong quý I/2021 đạt 21.000 tỷ đồng; lợi nhuận đạt hơn 1.848 tỷ đồng, trong khi quý I/2020, doanh nghiệp lỗ tới 2.330,3 tỷ đồng.
Quý I/2021 cũng là quý doanh nghiệp này có mức lợi nhuận cao nhất kể từ năm 2018. Lợi nhuận thu được bởi sự phục hồi mạnh mẽ của giá dầu và chênh lệch Crack spread (khoảng khác biệt về giá giữa một thùng dầu thô và các sản phẩm dầu hỏa được tinh chế từ nó) trong các dòng sản phẩm xăng.
Tương tự, trong quý I/2021, lợi nhuận sau thuế của Tổng công ty Dầu Việt Nam – CTCP đạt 190,6 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lỗ 537,7 tỷ đồng.
Bên cạnh những doanh nghiệp chuyển lỗ thành lãi, có những doanh nghiệp đạt mức lãi gấp nhiều lần so với quý cùng kỳ năm trước. Đơn cử quý I/2021, Công ty cổ phần Thương mại Đầu tư Dầu khí Nam Sông Hậu (mã chứng khoán: PSH) có doanh thu tăng 10% và lãi ròng tăng 108%, tương ứng gấp gần 2,1 lần so với cùng kỳ năm trước, lần lượt đạt 1.747 tỷ đồng và 44 tỷ đồng.
Một doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu và báo lãi gấp nhiều lần cùng kỳ năm ngoái nữa là Công ty cổ phần Thương mại Xuất nhập khẩu Thủ Đức (mã chứng khoán: TMC). Doanh nghiệp này báo lãi ròng quý đầu năm 2021 đạt hơn 4 tỷ đồng, gấp gần 9 lần cùng kỳ.
Dù vẫn còn những doanh nghiệp giảm lãi và thậm chí có một số ít doanh nghiệp thua lỗ trong quý I/2021, nhưng kết quả chung của các doanh nghiệp ngành dầu khí vẫn rất khả quan.
*Còn nhiều dư địa phục hồi
Lợi nhuận doanh nghiệp ngành dầu khí được nhận định còn nhiều dư địa phục hồi khi giá dầu vẫn có thể đi lên nhờ nhu cầu tiêu thụ dầu mỏ được dự báo tiếp tục tăng.
Công ty cổ phần Chứng khoán SSI dự báo giá dầu Brent bình quân năm 2021 sẽ ở mức 68 USD/thùng, tăng 62,6% so với năm 2020 và còn có thể tăng lên 70 USD/thùng trong năm 2022.
Đối với dầu nhiên liệu (FO) trung bình năm 2021 được dự báo đạt mức 360 USD/tấn, tăng 48,8% so với năm 2020. Mức giá này có thể đạt 380 USD/tấn vào năm 2022.
Lý lẽ được SSI đưa ra là do các quốc gia phát triển với tốc độ tiêm vaccine nhanh chóng đang dần mở cửa trở lại, xu hướng dịch chuyển đang tăng dần về mức trước dịch.
Hoạt động sản xuất kinh doanh cũng đã phục hồi nhanh qua các tháng khi các quốc gia tiếp tục nới lỏng các biện pháp hạn chế để kiểm soát dịch bệnh.
Trong khi đó, hoạt động sản xuất tại các nền kinh tế tại khu vực châu Âu, Mỹ, Anh, Trung Quốc đã tăng nhanh trở lại khi chỉ số quản trị mua hàng của nhà sản xuất (PMI) thể hiện mức tăng liên tiếp qua các tháng.
Tiêu thụ nhiên liệu bay tại Mỹ cũng phục hồi mạnh từ mức đáy hồi tháng 4 – 5 năm ngoái. Cơ quan Năng lượng Quốc tế (EIA) dự báo tiêu thụ nhiên liệu bay của Mỹ sẽ đạt mức xấp xỉ so với trước dịch vào tháng 7/2022.
Theo EIA, nhu cầu tiêu thụ dầu mỏ toàn cầu ước tính ở mức 100 triệu thùng/ngày vào tháng 12 năm nay và quay về gần bằng với mức trước dịch. Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và các nước đối tác, còn gọi là OPEC+ cũng giữ nguyên lộ trình cắt giảm sản lượng như tổ chức này đã quyết định hồi tháng 4/2021. Theo đó, OPEC+ sẽ tăng dần sản lượng khoảng 2,1 triệu thùng/ngày trong giai đoạn từ tháng 5 đến tháng 7.
SSI cho rằng, điều này khá phù hợp với kỳ vọng của thị trường trước đó và cũng phản ánh kỳ vọng về sự phục hồi nhu cầu dầu mỏ trong các tháng tới.
Theo SSI, đối với ngành dầu khí Việt Nam, giá dầu duy trì trên mức 60 USD/thùng là điều kiện thuận lợi để triển khai các hoạt động thăm dò và khai thác. Bên cạnh đó, việc xây dựng các cơ sở hạ tầng LNG (khí thiên nhiên hóa lỏng) cũng là một chiến lược được ngành tập trung đẩy mạnh trong thời gian tới./.
Nguồn tin: Bnews