Còn nhiều cơ sở để kìm đà tăng giá xăng dầu

Nối tiếp sức ảnh hưởng của giá xăng dầu lên chỉ số giá tiêu dùng trong nước trong tháng 5, giá dầu thô trên thị trường thế giới ngày 2.6 tăng vọt lên mức cao nhất trong nhiều năm qua đang gây áp lực lên công tác điều hành giá xăng dầu trong nước cũng như mục tiêu kiểm soát lạm phát. Tuy nhiên, theo nhiều đánh giá, Việt Nam vẫn còn có nhiều dư địa về thuế và quỹ để bình ổn trong trường hợp giá xăng dầu tăng sốc.

Giá dầu liên tiếp lập đỉnh

Trong phiên giao dịch ngày 2.6 theo giờ Việt Nam, giá dầu ngọt WTI của Mỹ trên thị trường thế giới có thời điểm tăng tới 1,76 USD lên 68,07 USD/thùng. Cùng thời điểm, giá dầu thô biển Bắc (Brent) cũng tăng mạnh 0,38 USD lên 70,63 USD/thùng. Với các mức giá giao dịch hiện nay, theo bảng thống kê lịch sử giao dịch giá dầu của trang www.Oilprice.com, giá dầu ngọt WTI của Mỹ đang giữ đỉnh giá cao nhất lập được trong nhiều năm qua, tính từ thời điểm tháng 10.2018 đến nay. Tương tự, với mức giá cao nhất tiến sát 71 USD/thùng lập được tính đến chiều ngày 2.6, giá dầu Brent cũng đang lập đỉnh giá cao nhất tính từ tháng 4.2019.

Nhu cầu tiêu dùng xăng dầu toàn cầu trong các ngày đầu tháng 6.2021 tăng cao trở lại trong bối cảnh hoạt động sản xuất kinh doanh của nhiều nước lớn trên thế giới hồi phục mạnh mẽ, bất chấp những tác động tiêu cực của dịch bệnh COVID-19, được nhìn nhận là yếu tố chính khiến giá dầu tăng vọt trên thị trường thế giới.

Các báo cáo thị trường cho thấy, tại thị trường Mỹ, nhu cầu xăng tăng tới 9,6% trong ngày cuối cùng của tháng 5.2021 so với mức trung bình của 4 Chủ nhật trước đó. Các nhà phân tích của Commonwealth Bank của Australia cũng dự báo nhu cầu dầu mỏ của Mỹ sẽ tăng rất mạnh trong thời gian tới do nhu cầu nhiên liệu máy bay của Mỹ chỉ riêng trong quý II/2021 có thể sẽ tăng 30% so với quý I do hoạt động vận tải gia tăng trở lại nhờ các kết quả tích cực của chương trình tiêm vaccine COVID-19.

Thực tế theo nhận định của các chuyên gia thuộc Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ OPEC, hoạt động sản xuất hồi phục trở lại sau các tác động của dịch bệnh có thể thúc đẩy nhu cầu dầu thô tăng khoảng 6 triệu thùng/ngày trong năm nay. Ngay từ tháng 4.2021, OPEC cũng quyết định cung cấp trở lại 2,1 triệu thùng dầu/ngày cho thị trường trong giai đoạn từ tháng 5 đến tháng 7 do sớm dự đoán nhu cầu toàn cầu tăng cao.

Còn dư địa để điều chỉnh giá trong nước

Do tính liên thông của hai thị trường, giá dầu thế giới tăng cao đang gây nhiều áp lực lên giá xăng dầu tại thị trường trong nước cũng như mục tiêu kiểm soát lạm phát.

Ngay trong các tháng đầu năm nay theo báo cáo của Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), việc giá xăng, dầu trong nước bình quân 5 tháng tăng 12,08% so với cùng kỳ năm trước là một trong những nguyên nhân chính làm tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) trong 5 tháng đầu năm 2021. Bên cạnh đó, một nguyên nhân khác là giá gas trong nước cũng biến động theo giá gas thế giới và theo tính toán trong 5 tháng đầu năm, giá gas tăng 15,32% so với cùng kỳ năm trước.

Theo đó, lạm phát cơ bản tháng 5.2021 tăng 0,15% so với tháng trước, tăng 1,13% so với cùng kỳ năm trước. Bình quân 5 tháng đầu năm 2021 lạm phát cơ bản tăng 0,82% so với cùng kỳ năm 2020, thấp hơn mức CPI bình quân chung (tăng 1,29%) và điều này phản ánh biến động giá tiêu dùng chủ yếu do giá lương thực, giá xăng, dầu và giá gas tăng.

Trao đổi với PV Báo Lao Động, chuyên gia kinh tế TS Nguyễn Ngọc Tú – Giảng viên trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ cho rằng, giá xăng dầu có đặc thù riêng, giá tăng hay giảm là do giá thế giới. Giá dầu thế giới lên buộc giá trong nước cũng phải lên mà xuống cũng giảm theo.

Tuy nhiên, theo ông Tú, trong cơ cấu giá xăng dầu của Việt Nam hiện nay đang có cơ cấu giá thuế khá cao. Các loại thuế trong xăng dầu chiếm khoảng 50% đến 55%. Ví dụ trong giá xăng dầu bán ra 15.000 đồng/lit thì giá phí và lệ phí chiếm một nửa.

“Đây là dư địa cho Nhà nước điều chỉnh, cân đối để giá xăng, dầu trong nước tương đương với khu vực chưa nói đến trên thế giới” – vị chuyên gia này nói và cho biết thêm, chúng ta phải cân đối điều chỉnh thế nào để đảm bảo chống lạm phát nhưng cũng đảm bảo sát với tình hình thực tế. Ngoài ra, việc điều chỉnh giá phải đảm bảo tránh buôn lậu. Nếu giảm quá sâu chắc chắn xuất hiện tình trạng buôn lậu xăng dầu sang các nước bên cạnh. Chính vì vậy, các nhà hoạch định về chính sách phải tính toán kỹ, có phương án rõ ràng. Đây cũng là một khó khăn, thử thách.

Vị này khẳng định thêm, khi giá dầu thế giới tăng, ở trong nước ngoài việc sử dụng Quỹ Bình ổn thì có thể điều chỉnh dựa vào thuế để giảm giá xăng dầu.

“Hiện nay lạm phát là do nhiều yếu tố cộng lại, trong đó xăng dầu là một yếu tố đầu vào. Tuy nhiên, hiện nay Việt Nam đang kiểm soát tốt”, ông Tú nói thêm. Trong khi đó, chuyên gia kinh tế, PGS-TS Ngô Trí Long – nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính) cho rằng, thông thường giá xăng dầu trong nước khó giảm được. Nếu giảm chỉ phải đưa Quỹ Bình ổn ra.

Ông nói, giá dầu trong nước phải phụ thuộc vào giá dầu thế giới. Ví dụ giá dầu thế giới 10 thì không thể giá trong nước là 5 hoặc 8 được. Nếu 5 hoặc 8 thì lỗ, không doanh nghiệp nào bán được. Trường hợp muốn xuống 8 thì phải sử dụng Quỹ Bình ổn 2 nữa thêm vào để làm giá giảm đi. Song cũng theo nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính), quá trình điều chỉnh xăng dầu trong nước phải sát với giá dầu thế giới. Quỹ Bình ổn giá xăng dầu là để sử dụng khi giảm tăng sốc.

Trước đó theo ông Nguyễn Anh Tuấn – Cục trưởng Cục Quản lý Giá (Bộ Tài chính), để thực hiện kiểm soát lạm phát theo chỉ tiêu Quốc hội giao, diễn biến cung – cầu và giá cả thị trường các mặt hàng thiết yếu sẽ được theo dõi rất sát để hạn chế việc tăng giá ngay từ đầu năm 2021. Các chính sách tài khóa trong năm nay cũng được điều hành chủ động, phối hợp chặt chẽ với chính sách tiền tệ và các chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm kiểm soát lạm phát theo mục tiêu đề ra.

Nguồn tin: Lao động

028.37273883