Lấy ý kiến về tổ chức thực hiện dự toán ngân sách nhà nước năm 2021

Bộ Tài chính vừa công bố lấy ý kiến góp ý của nhân dân đối với dự thảo Thông tư quy định về tổ chức thực hiện dự toán ngân sách nhà nước năm 2021.

Dự thảo quy định rõ về phân cấp nguồn thu, nhiệm vụ chi ngân sách nhà nước. Theo đó, tiếp tục thực hiện giữ ổn định tỷ lệ phần trăm (%) phân chia, cơ chế điều tiết một số khoản thu đặc thù như sau:

Thu thuế bảo vệ môi trường đối với sản phẩm xăng, dầu: Năm 2021 tiếp tục ổn định tỷ lệ (%) thuế bảo vệ môi trường đối với sản phẩm xăng, dầu như đối với năm 2017 – năm đầu của thời kỳ ổn định ngân sách 2017 – 2020. Theo đó: 37,2% số thu thuế bảo vệ môi trường đối với sản phẩm xăng, dầu là khoản thu phân chia giữa ngân sách trung ương và ngân sách địa phương; 62,8% số thu thuế bảo vệ môi trường điều tiết 100% số thu về ngân sách trung ương.

Tiếp tục thực hiện điều tiết 100% về ngân sách trung ương số thu từ xử phạt vi phạm hành chính của các cơ quan quản lý thị trường.

Tiếp tục thực hiện phân chia giữa ngân sách trung ương và ngân sách địa phương nguồn thu phí sử dụng đường bộ thu qua đầu phương tiện ô tô theo tỷ lệ tương ứng là 65% và 35% để chi cho quản lý, bảo trì đường bộ…

Giao dự toán thu ngân sách nhà nước

Theo dự thảo, các bộ, cơ quan trung ương, Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương triển khai giao nhiệm vụ thu ngân sách nhà nước năm 2021 cho các đơn vị trực thuộc, chính quyền cấp dưới đảm bảo tối thiểu bằng mức dự toán thu ngân sách nhà nước Thủ tướng Chính phủ giao. Ngoài việc giao dự toán thu ngân sách nhà nước, các bộ, cơ quan trung ương, Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương giao nhiệm vụ thu sự nghiệp theo quy định của pháp luật cho các đơn vị trực thuộc (nếu có).

Việc giao dự toán thu ngân sách nhà nước năm 2021 phải trên cơ sở rà soát, phân tích, đánh giá đầy đủ các nguồn thu phát sinh và kết quả thực hiện thu ngân sách năm 2020; căn cứ các chính sách, pháp luật về thu ngân sách; dự báo mức tăng trưởng kinh tế của từng ngành, từng lĩnh vực, tình hình sản xuất – kinh doanh của người nộp thuế trên địa bàn; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra thuế, chống thất thu thuế; ngăn chặn các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất, kinh doanh hàng giả, chuyển giá, trốn thuế.

Đối với các cơ quan, đơn vị trực thuộc đang áp dụng cơ chế tài chính đặc thù bằng các nguồn thu nghiệp vụ, nguồn thu hợp pháp khác theo quy định của cấp có thẩm quyền, các bộ, cơ quan trung ương hướng dẫn lập kế hoạch thu, chi năm 2021 theo cơ chế hiện hành, yêu cầu tiết kiệm chi 15% so với năm 2020.

Phân bổ và giao dự toán chi ngân sách nhà nước

Đối với phân bổ và giao dự toán chi đầu tư phát triển: Căn cứ tổng mức vốn và cơ cấu vốn được Thủ tướng Chính phủ giao, các bộ, cơ quan trung ương và địa phương phân bổ vốn đầu tư ngân sách nhà nước theo quy định tại khoản 2 Điều 3 Nghị quyết số 129/2020/QH14 ngày 13 tháng 11 năm 2020 của Quốc hội về phân bổ ngân sách trung ương năm 2021. Các bộ, cơ quan trung ương và địa phương gửi kết quả phân bổ về Bộ Kế hoạch và Đầu tư để tổng hợp báo cáo Chính phủ, đồng gửi Bộ Tài chính để kiểm soát việc giải ngân theo quy định của Luật Đầu tư công và các văn bản hướng dẫn thực hiện.

Căn cứ dự toán chi đầu tư phát triển, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính giao, các địa phương bố trí dành nguồn tương ứng số bội thu ngân sách cấp tỉnh (nếu có) để trả nợ gốc các khoản vay của ngân sách địa phương đến hạn phải trả trong năm 2021 (kể cả nợ quá hạn vay từ Ngân hàng phát triển Việt Nam, nếu có) và dành thêm nguồn để trả nợ lãi các khoản vay đến hạn trong năm 2021 (nếu dự toán chi trả nợ lãi đã được giao còn thiếu); phần còn lại mới phân bổ vốn cho các công trình, dự án, trong đó bố trí, cân đối đủ vốn cho các dự án, chương trình được ngân sách trung ương hỗ trợ một phần để thực hiện các mục tiêu theo quy định.

Đối với phân bổ và giao dự toán chi thường xuyên: Các bộ, cơ quan trung ương và các địa phương phân bổ, giao dự toán chi thường xuyên cho các đơn vị sử dụng ngân sách phải đảm bảo khớp đúng dự toán được Thủ tướng Chính phủ giao, Bộ Tài chính hướng dẫn, Hội đồng nhân dân quyết định, Ủy ban nhân dân giao cả về tổng mức và chi tiết theo từng lĩnh vực chi; phân bổ dự toán chi phải bảo đảm về thời gian theo quy định, đúng chế độ, tiêu chuẩn, định mức chi ngân sách do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định, đảm bảo bố trí đủ kinh phí thực hiện các chính sách, chế độ đã ban hành, những nhiệm vụ quan trọng theo quy định của pháp luật, những nhiệm vụ đã được cấp có thẩm quyền quyết định.

Bộ Tài chính đang lấy ý kiến góp ý của nhân dân đối với dự thảo này tại Cổng Thông tin điện tử của Bộ.

Nguồn: Chinhphu.vn

028.37273883