Ở miền biên viễn phía Bắc, ngày ngày vẫn có những doanh nghiệp “cõng” xăng lên núi phục vụ đồng bào dân tộc dù càng bán nhiều càng lỗ.
Cửa hàng xăng dầu tại huyện Hoàng Su Phì của Petrolimex Hà Giang. Ảnh: Anh Nguyễn/BNEWS/TTXVN
Với tỷ lệ hao hụt lớn, cước phí vận chuyển cao gần gấp đôi, sản lượng lại thấp trong khi giá bán ra bị khống chế theo quy định, hoạt động kinh doanh xăng dầu tại các xã, huyện vùng cao Tây Bắc trên thực tế chưa thu hút được các nhà đầu tư. Thế nhưng ở nơi xa xôi ấy vẫn có những doanh nghiệp ngày ngày “cõng” xăng lên núi.
*Cước vận chuyển cao, hao hụt lại lớn
Với 37 đầu mối doanh nghiệp nhập khẩu và bán lẻ xăng dầu hiện nay, việc kinh doanh mặt hàng “huyết mạch” của nền kinh tế này tại các tỉnh, thành phố lớn, các khu công nghiệp hay các trung tâm thuận lợi giao thông thường thu hút đông đảo doanh nghiệp tham gia với các cửa hàng xăng dầu mọc lên “như nấm”.
Tuy nhiên tại các xã, huyện vùng cao miền biên viễn Tây Bắc như Hà Giang, Cao Bằng…thì có khi cả huyện cũng chỉ có lác đác một vài cửa hàng kinh doanh của Tập đoàn Xăng Dầu Việt Nam (Petrolimex) bên cạnh một đến hai cửa hàng của tư nhân.
Thậm chí huyện miền núi biên giới như Hạ Lang (cách thành phố Cao Bằng 175 km) hay Bảo Lạc (cách thành phố Cao Bằng 100 km) chỉ có duy nhất một cửa hàng của Petrolimex bán xăng dầu phục vụ đồng bào dân tộc.
Bà Nông Thị Hà, Phó Giám đốc Petrolimex Cao Bằng cho biết, mặc dù Cao Bằng cách tổng kho xăng dầu Đức Giang của Petrolimex tại Hà Nội) gần 300 km, vận chuyển mất cả ngày trời do đường núi đèo dốc hiểm trở nhưng giá bán xăng dầu tại Cao Bằng cũng chỉ là giá bán vùng II, tức là chỉ được phép cao hơn 2% so với giá cơ sở công bố cùng thời điểm (khoảng 300 đồng/lít) và bằng giá bán xăng dầu tại nhiều tỉnh đồng bằng Bắc Bộ như Hà Nam, Ninh Bình, Bắc Ninh, Bắc Giang, Vĩnh Phúc, Phú Thọ…
Với quy định giá xăng dầu vẫn bất cập như vậy, cho dù được Tập đoàn hỗ trợ tạo nguồn 220 đồng/lít, cộng thêm chênh lệch giá vùng II thì 4/22 cửa hàng xăng dầu của Petrolimex Cao Bằng đang phải bù lỗ lớn do cước vận chuyển lên các địa bàn này bình quân lên tới 900 đồng/lít, cao hơn nhiều so với chi phí bình quân 600 đồng/lít chung của toàn ngành. Đó là cửa hàng xăng dầu số 10 (huyện Bảo Lạc), số 15 (huyện Bảo Lâm), số 20 (huyện Nguyên Bình) và số 26 (xã Ngọc Côn, huyện Trung Khánh), đều cách hàng trăm km so với trung tâm thành phố Cao Bằng, bà Hà cho biết.
Tương tự như vậy, hoạt động kinh doanh xăng dầu tại Hà Giang cũng cực kỳ gian nan. Ông Lại Văn Dương, Phó Giám đốc Petrolimex Hà Giang cho biết, công ty có 27 cửa hàng xăng dầu rải đều khắp các huyện của Hà Giang. Hiện chi phí vận chuyển trung bình từ đầu nguồn (tổng kho xăng dầu B12 – Quảng Ninh) lên đến các cửa hàng xa nhất của Petrolimex Hà Giang như Yên Minh, Quản Bạ, Hoàng Su Phì, Đồng Văn, Mèo Vạc lên tới 1.100 đồng/lít.
Không chỉ có cước vận chuyển cao, việc “cõng” xăng dầu từ kho đầu mối dưới đồng bằng lên miền núi còn bị hao hụt lớn. Thực tế cho thấy tỷ lệ hao hụt khi vận chuyển xăng dầu từ Kho B12 Quảng Ninh lên đến Đồng Văn – Mèo Vạc (Hà Giang) có khi tới 200 lít xăng/xe hàng vào những thời điểm chênh lệch nhiệt độ lên tới 10 độ C trong mùa đông. Còn với Petrolimex Cao Bằng, tỷ lệ hao hụt chung do vận chuyển, tồn trữ trong điều kiện chênh lệch nhiệt độ như vậy bình quân ở mức 40 đồng/lít xăng dầu.
Cửa hàng xăng dầu của Petrolimex Cao Bằng tại thành phố Cao Bằng. Ảnh: Anh Nguyễn/BNEWS/TTXVN
*Đảm bảo cung ứng xăng dầu mọi nơi mọi lúc
Hoạt động kinh doanh xăng dầu ở địa bàn miền núi, vùng cao luôn phải đối mặt với khó khăn do chi phí phát sinh quá lớn, thậm chí có những địa bàn vùng cao càng bán nhiều thì lỗ càng lớn.
Tuy nhiên, để thực hiện nhiệm vụ chính trị của một doanh nghiệp nhà nước trong đảm bảo cung ứng xăng dầu cho phát triển kinh tế – xã hội và an ninh, quốc phòng ở miền biên viễn, Petrolimex Hà Giang và Cao Bằng vẫn tiếp tục tìm kiếm, phát triển mạng lưới các cửa hàng xăng dầu tại các huyện xa.
Theo đó, Năm 2020, Công ty Xăng dầu Cao Bằng đã đưa vào hoạt động cửa hàng xăng dầu số 29 tại huyện miền núi Hạ Lang- nơi chưa có bất kỳ một cửa hàng xăng dầu nào và giáp biên giới với Trung Quốc.
Mặc dù sản lượng hiện nay rất thấp chỉ từ 40-50m3/tháng nhưng việc mở cửa hàng này đã giúp người dân ở đây thuận lợi trong việc mua xăng dầu để sử dụng cho các phương tiện đi lại và sản xuất. Trong năm tới, công ty tiếp tục tìm kiếm các vị trí để mở các cửa hàng mới nhằm phục vụ tốt hơn đồng bào dân tộc tại các huyện vùng cao xa trung tâm.
Bên cạnh đó, với trách nhiệm của doanh nghiệp nhà nước, Petrolimex Cao Bằng cũng luôn đảm bảo cung ứng đủ xăng dầu ngay cả ở những thời điểm kinh doanh khó khăn nhất về nguồn cung, thời kỳ mưa lũ hay giá cả biến động, góp tích cực vào công cuộc phát triển kinh tế – xã hội và an ninh quốc phòng tại Cao Bằng, nhất là các vùng sâu, vùng xa, những địa bàn khó khăn.
Điều này hết sức quan trọng góp phần bình ổn thị trường bởi thực tế cho thấy đây là thời điểm mà nhiều doanh nghiệp tư nhân thường đóng cửa không bán hoặc bán nhỏ giọt, hoặc treo biển hết hàng, bà Hà cho biết.
Về phía Petrolimex Hà Giang, Phó Giám đốc Lại Văn Dương cũng cho biết, công ty đang xúc tiến thử tục đầu tư mở thêm 2 cửa hàng xăng dầu ở xã Quyết Tiến (huyện Quản Bạ) và huyện Bắc Mê để hoàn thiện mạng lưới các cửa hàng phục vụ tốt nhất nhu cầu về xăng dầu của người dân trên địa bàn.
Với việc mở rộng mạng lưới trong các năm qua, hiện các cửa hàng xăng dầu được phủ khắp đến tất cả 11 huyện, thành phố của Hà Giang. Với thị phần chiếm 66%, trong đó, sản lượng bán lẻ trực tiếp trên 90%, Petrolimex Hà Giang đã góp phần bình ổn thị trường xăng dầu trên địa bàn.
Cũng nhờ vậy, bà con các dân tộc thiểu số tại các xã khó khăn, vùng sâu, vùng xa, biên giới của Hà Giang đều được mua xăng dầu với chất lượng, giá cả, số lượng đúng theo quy định của Nhà nước.
Anh Ly Seo Sướng ở xã Sán Xả Hồ, huyện Hoàng Su Phì, Hà Giang cho biết, từ khi có cửa hàng xăng dầu của Petrolimex tại trung tâm huyện, bà con dân tộc được mua xăng chất lượng tốt, đong đầy đủ nên tiết kiệm được tiền chi phí đi lại rất nhiều so với việc mua xăng của tư nhân như trước đây.
Cùng vì tin tưởng vào thương hiệu của Petrolimex mà giờ đây gia đình còn mua thêm gas Petrolimex để dùng, vừa tiện lợi vừa không phải đi vào rừng lấy củi như trước đây, anh Ly Seo Sướng cho hay.
Tuy nhiên, trong điều kiện kinh doanh xăng dầu ở vùng cao và các địa bàn đặc biệt khó khăn vẫn phải bù lỗ, Petrolimex Hà Giang, Petrolimex Cao Bằng và nhiều đơn vị khác của Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam đã thực hiện triệt để tiết giảm chi phí, đẩy mạnh bán lẻ các mặt hàng khác ngoài xăng dầu như gas, dầu nhờn, sơn, bảo hiểm để tăng doanh thu và lợi nhuận, đảm bảo đời sống cho người lao động.
Vì vậy, về lâu dài, để thu hút nhà đầu tư xăng dầu đến với khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa, liên Bộ Tài chính – Công Thương cần tính toán điều chỉnh dần từng bước để có sự giãn cách về giá bán giữa các vùng thuận lợi và các vùng khó khăn.
Có như vậy, các nhà đầu tư sẽ tự nguyện tham gia thị trường, từ đó góp phần tạo ra thị trường cạnh tranh lành mạnh, mang lại lợi ích cao nhất cho người tiêu dùng./.