Thay vì điều chỉnh giá xăng dầu 2 lần như Liên Bộ Tài chính – Công thương vẫn làm hiện nay, Dự thảo Nghị định 83 sửa đổi về kinh doanh xăng dầu đề xuất thêm phương án điều hành giá mặt hàng này 3 lần/tháng.
Rút ngắn khoảng cách thời gian điều hành
Bộ Công Thương đang lấy ý kiến về dự thảo Nghị định 83 sửa đổi liên quan kinh doanh xăng dầu. Tại bản dự thảo mới nhất, bên cạnh phương án điều hành giá bán lẻ xăng dầu hai lần một tháng như hiện nay, ban soạn thảo đề xuất thêm phương án điều chỉnh giá 3 lần một tháng vào các ngày mùng 1, 11 và 21 hàng tháng (tức là mỗi kỳ điều hành cách nhau 10 ngày).
Với các kỳ điều hành trùng vào ngày nghỉ, ngày nghỉ lễ, thời gian điều hành được lùi sang ngày làm việc tiếp theo sau kỳ nghỉ. Trường hợp kỳ điều hành giá trùng vào dịp Tết Nguyên Đán, thời gian điều hành được lùi sang kỳ tiếp theo (khoảng cách 2 kỳ tính giá).
Dự thảo cũng nêu rõ, trường hợp áp dụng phương án điều hành giá bán lẻ xăng dầu 3 lần một tháng, nếu các yếu tố cấu thành biến động làm giá cơ sở tăng cao bất thường, trên 10% so với giá kỳ liền kề trước đó, Bộ Công Thương phải báo cáo Thủ tướng xem xét, cho ý kiến về biện pháp điều hành.
Nếu áp dụng phương án điều hành 2 lần một tháng, mỗi lần cách nhau 15 ngày như hiện tại mà các yếu tố cấu thành biến động làm cho giá cơ sở tăng trên 7% so với giá cơ sở kỳ liền kề trước đó, Bộ Công Thương báo cáo Thủ tướng xem xét, cho ý kiến về biện pháp điều hành.
Thay cách tính giá cơ sở với xăng dầu
Trong dự thảo, ban soạn thảo nêu quan điểm thay đổi công thức tính giá cơ sở xăng dầu, gồm giá nhập khẩu và sản xuất trong nước, thay vì chỉ tính giá CIF nhập khẩu xăng dầu như hiện tại.
Giá xăng dầu từ nguồn nhập khẩu được xác định bằng giá xăng dầu thế giới cộng chi phí định mức tối đa đưa xăng dầu từ nước ngoài về Việt Nam, cộng chi phí kinh doanh định mức tối đa, cộng mức trích lập Quỹ bình ổn giá xăng dầu, cộng lợi nhuận định mức và các khoản thuế, phí và trích nộp khác theo quy định.
Còn với giá xăng dầu từ nguồn sản xuất trong nước, Bộ Công Thương đề xuất 2 phương án tính toán.
Phương án 1, giá xăng dầu từ nguồn sản xuất trong nước được xác định bằng giá thế giới cộng hoặc trừ Premium (nếu có), cộng các loại thuế, phí, lợi nhuận định mức, mức trích lập Quỹ bình ổn giá… theo quy định.
Trong đó, Premium trong nước là khoản chênh lệch so với giá thế giới, được xác định theo phương pháp bình quân gia quyền theo sản lượng. Khoản chênh lệch này do Bộ Tài chính xác định, không cao hơn giá thế giới bình quân trong công thức tính giá xăng dầu từ nguồn trong nước nhân với thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi thấp nhất.
Phương án 2, giá xăng dầu từ nguồn sản xuất trong nước bao gồm các yếu tố và được xác định bằng giá bán xăng dầu bình quân của các nhà máy lọc dầu trong nước, doanh nghiệp được giao quyền bao tiêu toàn bộ sản phẩm xăng dầu của nhà máy bán cho thương nhân, đầu mối kinh doanh xăng dầu, chi phí định mức tối đa đưa xăng dầu từ các nhà máy lọc dầu trong nước về đến cảng Việt Nam (nếu có), chi phí kinh doanh định mức tối đa, mức trích lập Quỹ bình ổn giá xăng dầu, lợi nhuận định mức, các khoản chi phí về thuế, phí và các khoản trích nộp khác theo quy định của pháp luật hiện hành.