Tiếp tục đề xuất miễn giảm nhiều loại thuế, phí để hỗ trợ doanh nghiệp

Theo Dự thảo Nghị quyết về các nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công trong bối cảnh đại dịch Covid-19 vừa được Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) công bố, nhiều giải pháp về tài chính đã được đưa ra xin ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) nhằm giảm chi phí sản xuất, kinh doanh, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp (DN).

Tiếp tục đề xuất miễn giảm nhiều loại thuế, phí để hỗ trợ doanh nghiệp

Nhiều giải pháp tài chính được đưa ra

Theo đó, Bộ Tài chính thực hiện ngay theo thẩm quyền việc ban hành Thông tư để miễn, giảm phí, lệ phí như: Phí thẩm định cấp phép khai thác, sử dụng tài nguyên nước, phí khai thác dữ liệu khí tượng thủy văn, phí cấp phép hoạt động của các tổ chức tín dụng, phí thẩm định dự án đầu tư xây dựng, phí thẩm định thiết kế dự án đầu tư xây dựng, lệ phí cấp chứng chỉ hoạt động xây dựng, miễn lệ phí cấp giấy chứng chỉ hành nghề xây dựng cho cá nhân.

Đồng thời chủ trì, phối hợp với Bộ Giao thông Vận tải và các cơ quan liên quan thực hiện việc miễn, giảm phí, nhất là phí cầu đường, phí cảng biển, phí bảo trì đường bộ, giá dịch vụ hàng không (phí bãi đậu, phí cất, hạ cánh, phí điều hành bay, phí an ninh soi chiếu, phí phục vụ mặt đất)… theo quy định; rút ngắn thời gian kiểm soát chi, bảo đảm chặt chẽ, đúng quy định; phối hợp với chủ đầu tư kịp thời xử lý vướng mắc phát sinh về thủ tục thanh toán; đàm phán, ký kết hiệp định, rút vốn từ nhà tài trợ theo quy định.

Bộ Tài chính rà soát, báo cáo Chính phủ phương án xử lý đối với việc gia hạn thời hạn nộp thuế, tiền thuê đất cho các đối tượng là các DN hoạt động trong lĩnh vực khai thác dầu khí, kinh doanh xăng dầu; gia hạn thời hạn nộp thuế đối với thuế tài nguyên, thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB)…

Theo Dự thảo Nghị quyết, Bộ Tài chính báo cáo Chính phủ cho ý kiến để trình UBTVQH, Quốc hội trong tháng 4/2020 việc điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh của thuế thu nhập cá nhân (TNCN); miễn, giảm thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu đầu vào của các ngành vận tải, đặc biệt nghiên cứu giảm thêm đối với mặt hàng xăng sinh học E5RON92 để khuyến khích sử dụng xăng sinh học; giảm 50% lệ phí trước bạ khi đăng ký ô tô sản xuất hoặc lắp ráp trong nước tới hết năm 2020 nhằm kích thích tiêu dùng trong nước; các chính sách ưu đãi về thuế TTĐB đối với ngành ô tô nội; giảm 50% thuế thu nhập DN (TNDN) cho DN nhỏ và vừa trong năm 2020 nhằm hỗ trợ, phát triển DN nhỏ và siêu nhỏ.

Miễn, giảm 50% thuế suất giá trị gia tăng (GTGT) (hiện nay là 10%) cho các hàng hóa dịch vụ gặp khó khăn, hàng hóa nguyên vật liệu để giảm chi phí đầu vào cho sản xuất của các DN; miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp đối với hộ gia đình, nông dân; tạm thời giảm, miễn thuế TNDN, thuế TNCN đối với DN, hộ kinh doanh cá thể để áp dụng cho kỳ tính thuế năm 2020; xem xét việc hoàn thuế GTGT trong năm 2020 cho một số ngành nghề bị ảnh hưởng nặng, trực tiếp bởi dịch Covid-19 như hàng không, du lịch.

Quản lý chặt chẽ để chống tiêu cực

Bộ Tài chính cũng nghiên cứu, báo cáo Chính phủ tăng thời gian gia hạn nộp thuế TNDN năm 2019, thuế GTGT, thuế TNCN, tiền thuê đất lên 1 năm (Nghị định 41/2020/NĐ-CP là 05 tháng); bổ sung quy định giãn, hoãn nộp thuế khoán cho hộ kinh doanh có hoạt động sản xuất kinh doanh bị ảnh hưởng của dịch Covid-19 như đối với DN; miễn 100% tiền thu từ lệ phí môn bài năm 2020 cho các hộ kinh doanh bị ảnh hưởng dịch Covid-19 đối với các hộ kinh doanh đã nộp, số tiền đã nộp được khấu trừ vào số lệ phí môn bài phải nộp các năm sau.

Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bộ KH&ĐT tìm kiếm các nguồn lực bổ sung cho ngân sách nhà nước (NSNN), nhất là các khoản vay từ các tổ chức quốc tế; xây dựng phương án huy động từ các nguồn khác, kể cả từ dự trữ ngoại hối để bổ sung nguồn lực cho NSNN trong các trường hợp cần thiết, cấp bách khác; khẩn trương nghiên cứu, đề xuất về việc đàm phán để hoãn các nghĩa vụ trả nợ đến hạn của NSNN. Khẩn trương hoàn thiện thủ tục và bố trí nguồn để tăng vốn điều lệ cho các ngân hàng thương mại cổ phần do Nhà nước nắm cổ phần chi phối.

Xem xét báo cáo Chính phủ cho phép chậm nộp một phần thuế xuất khẩu trong thời gian khoảng 5 tháng (đến hết quý II/2020) để tạo điều kiện cho DN có thêm nguồn vốn bổ sung vốn lưu động để thúc đẩy xuất khẩu. Rà soát các biểu thuế xuất nhập khẩu do Chính phủ ban hành để kịp thời điều chỉnh có thời hạn các mức thuế suất đối với một số lĩnh vực như thuế nhập khẩu xăng dầu đối với ngành hàng không.

Đồng thời hoàn thiện dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung khoản 3 Điều 8 Nghị định số 20/2017/NĐ-CP để cho phép xử lý hồi tố đối với các năm 2017, 2018, thời hạn hoàn trả là 5 năm. Bộ Tài chính quản lý chặt chẽ để chống tiêu cực, tham nhũng, lợi ích nhóm khi thực hiện xử lý hồi tố theo quy định tại Nghị định này…

Nguồn: Báo Pháp luật

028.37273883