Dịch COVID-19 đang lây lan sang nhiều nước với tốc độ nhanh khiến chứng khoán toàn cầu nối dài đà giảm, còn giá dầu cũng hạ mạnh khi giới đầu tư dự đoán nhu cầu dầu mỏ sẽ chịu tác động tiêu cực.
Một cơ sở lọc dầu ở Shuaiba, Iraq. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Trong phiên giao dịch đầu tuần 24/2, giá dầu thế giới giảm gần 4% do sự lây lan nhanh của dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 tại các nước ngoài Trung Quốc đại lục khiến giới đầu tư thêm lo ngại về những tác động đối với nhu cầu tiêu thụ dầu toàn cầu.
Kết thúc phiên này, tại thị trường New York, giá dầu ngọt nhẹ (WTI) giao kỳ hạn giảm 1,95 USD (3,7%) xuống 51,43 USD/thùng.
Trong khi đó, tại thị trường London, giá dầu Brent Biển Bắc giao kỳ hạn cũng mất 2,2 USD (3,8%) xuống 56,30 USD/thùng.
Dịch COVID-19 đang lây lan sang nhiều nước với tốc độ nhanh, khiến thị trường chứng khoán toàn cầu nối dài đà giảm, còn giá dầu cũng hạ mạnh khi giới đầu tư dự đoán nhu cầu dầu mỏ sẽ chịu tác động tiêu cực.
Hiện Trung Quốc đã ghi nhận hơn 77.000 ca nhiễm COVID-19 và khoảng 2.600 người tử vong, hầu hết là ở tỉnh Hồ Bắc.
Tại thành phố lớn thứ tư Hàn Quốc là Daegu, số người bị nhiễm COVID-19 cũng tăng nhanh trong vài ngày qua. Trong khi đó, tại châu Âu, Italy là quốc gia chứng kiến độ lây lan mạnh mẽ nhất của dịch bệnh này với 220 ca nhiễm và 7 người tử vong.
Kuwait, Bahrain, Oman and Iraq ngày 24/2 cũng vừa báo cáo về ca nhiễm đầu tiên, và tất cả những trường hợp này đều đã từng tới Iran, nước vừa thông báo 12 người tử vong và 61 ca nhiễm COVID-19.
Afghanistan, Iraq, Kuwait, Saudi Arabia và Thổ Nhĩ Kỳ Turkey đều ban hành lệnh cấm du lịch và nhập cảnh đối với Iran.
Tập đoàn dầu mỏ Saudi Aramco của Saudi Arabia dự báo tác động của dịch COVID-19 đối với nhu cầu dầu sẽ chỉ tồn tại trong thời gian ngắn và hoạt động mua vào sẽ tăng trong nửa cuối năm nay.
Trong khi đó, ngân hàng Goldman Sachs dự báo giá hàng hóa có thể giảm mạnh trước khi có bất kỳ sự phục hồi nào nhờ các biện pháp kích thích kinh tế của Trung Quốc.
Ngân hàng Bank of America giữ mức dự báo giá dầu Brent ổn định ở mức 62 USD/thùng trong năm 2020, do sự cắt giảm nguồn cung của Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và khả năng phục hồi của thị trường trước những cú sốc địa chính trị./.