Thị trường dầu mỏ thế giới chứng kiến một tuần khởi sắc

Tuần qua, thị trường dầu mỏ thế giới chứng kiến một tuần khởi sắc với bốn phiên tăng liên tiếp, nhờ triển vọng tích cực trong đàm phán thương mại Mỹ-Trung.

Cơ sở lọc dầu Abqaiq của Saudi Arabia. Ảnh: AFP/TTXVN

Tuần qua, thị trường dầu mỏ thế giới chứng kiến một tuần khởi sắc với bốn phiên tăng liên tiếp, nhờ triển vọng tích cực trong đàm phán thương mại Mỹ-Trung, chương trình cắt giảm sản lượng của các nhà sản xuất và số liệu mới về lượng dự trữ dầu thô tại Mỹ. Tính chung cả tuần, giá dầu Brent tăng 3,7% còn giá dầu chuẩn Tây Texas (WTI) tăng 2,1%.

Trong phiên đầu tuần (23/12), giá dầu đi lên khi mặt hàng này nhận được hỗ trợ từ tâm lý lạc quan của các nhà đầu tư rằng thỏa thuận thương mại ban đầu giữa Mỹ và Trung Quốc sẽ sớm được ký kết.

Giá dầu được đà đi lên kể từ khi Mỹ và Trung Quốc nhất trí về thỏa thuận thương mại “Giai đoạn 1” hồi đầu tháng này sau nhiều tháng đàm phán. Ngày 21/12, Tổng thống Mỹ Donald Trump cho hay Washington và Bắc Kinh sẽ “sớm” ký kết một thỏa thuận.

Theo thỏa thuận này, Mỹ dự kiến sẽ giảm một số thuế quan, đổi lại Trung Quốc sẽ nhập khẩu nhiều hàng hóa nông sản của Mỹ hơn.

Giá dầu tiếp tục đà tăng trong phiên 24/12, sau khi Nga cho biết sẽ tiếp tục hợp tác với Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) để cắt giảm nguồn cung.

Bộ trưởng Năng lượng Nga Alexander Novak ngày 23/12 cho biết OPEC và Nga sẽ tiếp tục hợp tác chừng nào điều này còn mang lại hiệu quả.

Trong tháng này OPEC và các nước sản xuất dầu mỏ đã nhất trí cắt giảm sản lượng thêm 500.000 thùng/ngày kể từ 1/1/2020.

Bên cạnh đó, giá dầu cũng tăng nhận được lực đẩy sau khi Tổng thống Trump ngày 24/12 cho biết ông và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ sớm ký kết thỏa thuận thương mại “Giai đoạn một”.

Sau khi đóng cửa nghỉ lễ trong phiên 25/12, giá dầu tăng khoảng 1% lên mức cao nhất trong hơn ba tháng trong phiên giao dịch 26/12, trước những kỳ vọng cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung sẽ sớm đi đến hồi kết.

Phát biểu tại cuộc họp báo ngày 26/12, người phát ngôn Bộ Thương mại Trung Quốc Cao Phong cho biết nước này vẫn đang liên hệ chặt chẽ với Mỹ về việc ký kết thỏa thuận thương mại “Giai đoạn 1”. Theo đó, hai bên vẫn đang tiến hành các thủ tục cần thiết trước khi ký thỏa thuận.

Trong phiên cuối tuần (26/12), giá dầu tăng phiên thứ tư liên tiếp và duy trì ở mức cao nhất trong ba tháng sau khi số liệu mới cho thấy dự trữ dầu thô của Mỹ giảm mạnh hơn dự kiến.

Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) cho biết trong tuần tính đến ngày 20/12 dự trữ dầu thô của Mỹ đã giảm 5,5 triệu thùng xuống còn 441,4 triệu thùng, vượt xa dự báo của các nhà phân tích về mức giảm 1,7 triệu thùng trước đó.

Chốt phiên này, giá dầu Brent giao tháng Hai tăng 24 xu lên 68,16 USD/thùng, mức cao nhất kể từ giữa tháng Chín, còn giá dầu WTI tăng 4 xu lên 61,72 USD/thùng, cũng là mức cao trong ba tháng.

Cuộc chiến thương mại kéo dài 17 tháng giữa Mỹ và Trung Quốc đã ảnh hưởng tiêu cực đến đà tăng trưởng của kinh tế toàn cầu cũng như nhu cầu tiêu thụ dầu mỏ.

Dù vậy, từ đầu năm đến nay, giá dầu Brent và dầu WTI vẫn tăng lần lượt 27% và 36%, nhờ chương trình cắt giảm nguồn cung của các nhà sản xuất. OPEC+ trong tháng này đã nhất trí cắt giảm sản lượng thêm 500.000 thùng/ngày từ 1/1/2020./.

Nguồn: Bnews

028.37273883