Nga tuyên bố sẽ hoàn thành việc xây dựng đường ống dẫn khí đốt dưới biển Baltic, dù Thượng viện Mỹ vừa phê chuẩn các lệnh trừng phạt.
Tuyến đường ống Khí đốt Dòng chảy Phương Bắc 2 đưa khí đốt từ Nga sang Đức, là một phần quan trọng trong chiến lược xuất khẩu của Công ty năng lượng Gazprom ở Moscow, nhằm mục đích vận chuyển khí đốt của Nga đến các nước châu Âu thông qua biển Baltic.
“Chúng tôi hy vọng rằng dự án này sẽ được hoàn thành” – người phát ngôn của Điện Kremlin Dmitry Peskov nói với các phóng viên hôm 18/12, đồng thời chỉ trích các biện pháp trừng phạt của Mỹ đang “vi phạm một cách trắng trợn luật pháp quốc tế”.
Tuyến đường ống Khí đốt Dòng chảy Phương Bắc 2 đưa khí đốt từ Nga sang Đức.
“Moscow không đồng ý những hành động của Mỹ, các quốc gia châu Âu cũng vậy, từ Berlin cho đến Paris đều không đồng tình” – ông Peskov nói.
Ông Peskov cũng cho rằng các biện pháp trừng phạt sẽ chỉ dẫn đến việc làm tăng giá xăng đối với người tiêu dùng châu Âu.
Các biện pháp trừng phạt lên các công ty tham gia dự án khí đốt của Nga được đưa vào dự luật chi tiêu quốc phòng hằng năm của Washington, dễ dàng được thông qua bởi cả Thượng viện và Hạ viện Mỹ.
Các nhà lập pháp Mỹ lo ngại rằng tuyến đường ống Dòng chảy Phương Bắc 2 sẽ mang lại cho Nga hàng tỷ USD và làm tăng đáng kể sức ảnh hưởng của Tổng thống Vladimir Putin với châu Âu, khi mối quan hệ giữa Moscow và phương Tây ngày càng căng thẳng.
Lệnh trừng phạt này của Mỹ lên Nga cũng khiến các quốc gia châu Âu giận dữ, đứng đầu là Đức. Liên minh châu Âu (EU) và Đức đã đề nghị Mỹ không áp dụng các biện pháp trừng phạt lên dự án này, cho rằng những vấn đề về năng lượng ở châu Âu nên được quyết định bởi chính họ.
Dòng chảy Phương Bắc 2 với giá trị đầu tư khoảng 9,5 tỷ euro (10,6 tỷ USD), được thiết lập để tăng gấp đôi lượng khí đốt tự nhiên được truyền từ Nga sang Đức.
Thủ tướng Đức Angela Merkel phát biểu tại Quốc hội cho biết Berlin phản đối “các biện pháp trừng phạt từ các nước ngoài khu vực”. Bà Merkel cũng cho biết “không có cách giải quyết nào khác ngoài việc tổ chức các cuộc đàm phán” về vấn đề này.
Một nhà thầu lớn khác có thể bị trừng phạt bởi dự luật của Mỹ chính là Công ty Allseas, có trụ sở tại Thụy Sĩ, được Gazprom thuê để xây dựng đường ống dẫn ở ngoài khơi.
Các quan chức Nga cho biết họ mong tuyến đường ống khí đốt này sẽ đi vào hoạt động vào năm 2020.
Đường ống Dòng chảy Phương Bắc 2 dài 1.230 km, là sự mở rộng của dự án Dòng chảy Phương Bấc 1 trước đó giữa Nga với Đức, được đưa vào hoạt động năm 2011-2012.
Một nửa dự án được tài trợ bởi Gazprom, phần còn lại được bảo trợ bởi các công ty dầu khí khác của châu Âu như Wintershall và Uniper của Đức, Royal Shell của Hà Lan, Engie của Pháp và OMV của Áo./.