Đầu tư vào nông nghiệp: trông chờ doanh nghiệp nội

 Ngày 21-11, tại TPHCM đã diễn ra Diễn đàn kinh doanh đầu tư nông nghiệp thời TPP (Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương) do Tổng hội Nông nghiệp và Phát triển nông thông và CafeF tổ chức.

Diễn đàn thu hút đông các chuyên gia, nhà nghiên cứu, những người quan tâm đến nông nghiệp và các doanh nghiệp lớn trong lĩnh vực nông nghiệp hiện nay như Hoàng Anh Gia Lai, TH True Milk, Vingroup, Vinamilk, Hùng Vương, Phúc Sinh…

Theo bà Trần Hải Yến, một diễn giả tại diễn đàn, nhìn chung, số lượng doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp thời gian qua nhiều hơn số doanh nghiệp ra đi và việc rút khỏi nông nghiệp được đánh giá là phản ứng nhất thời của một vài doanh nghiệp trong bối cảnh giá các mặt hàng nông sản giảm sâu, chưa chắc chắn về thời điểm tăng trở lại trong khi các dự án nông nghiệp thường chôn vốn lâu.Ngoài ra, một số công ty tài chính chuyển hướng vào nông nghiệp với mục đích thu lời ngắn hạn nhưng diễn biến thực tế không thuận lợi nên các công ty này cũng nhanh chóng rút ra.

Cũng theo bà Yến, người có nhiều năm làm việc trong một công ty nghiên cứu thị trường nông nghiệp, có thể trong thời gian tới sẽ có những thương vụ mua bán sáp nhập trong lĩnh vực này. Đây là cách nhanh nhất để đầu tư vào nông nghiệp và có ngay thị phần nhưng đòi hỏi phải doanh nghiệp phải có nguồn vốn lớn.

Tuy nhiên, theo vị diễn giả này, dù trong thời gian qua đã có một số doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp nhưng đó chưa phải là một làn sóng đầu tư mà chỉ là một xu hướng chứ không phải một phong trào. Và chỉ những doanh nghiệp nào cam kết đầu tư lâu dài, bài bản và chuyên tâm vào nông nghiệp mới có thể tồn tại trong giai đoạn khó khăn của thị trường nông sản hiện nay để chờ đợi cơ hội tăng trưởng trong tương lai. 

Khó thu hút FDI vào nông nghiệp

Theo bà Vũ Thị Minh, công tác tại trường Đại học Kinh tế Quốc dân, trong những năm qua, những doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đến Việt Nam đầu tư vào nông nghiệp chủ yếu là để bán sản phẩm cho thị trường nội địa chứ không phải để sản xuất hàng xuất khẩu. Những ngành thu hút khá nhiều doanh nghiệp FDI là chăn nuôi và sản xuất thức ănchăn nuôi.

Nguyên nhân giải thích cho việc vốn FDI ít đổ vào lĩnh vực nông nghiệp là do thời gian thu hồi vốn dài, tỷ lệ lợi nhuận thấp, rủi ro cao và chính sách không phù hợp.

Bên cạnh đó, theo bà Minh, việc doanh nghiệp FDI khó tiếp cận được nguồn đất đai với diện tích lớn cũng là một trong những nguyên nhân ảnh hưởng đến vấn đề thu hút đầu tư.

Tuy nhiên, rào cản lớn nhất của Việt Nam trong việc thu hút FDI trong nông nghiệp là việc tự do hóa – tức việc mở cửa thị trường – của Việt Nam.

“Trong vấn đề thu hút FDI trong nông nghiệp, tự do hóa là một rào cản chứ không phải là cơ hội. Trước năm 2000, doanh nghiệp FDI vào Việt Nam là muốn khai thác sự bảo hộ trong ngành nông nghiệp Việt Nam, nhưng sau thời điểm này, thị trường Việt Nam đã mở cửa hơn do tham gia nhiều hiệp định thương mại, nên khả năng bảo trợ cho sản phẩm nông nhiệp giảm đi, theo đó FDI cũng ít hơn,” bà Minh cho biết.

Có thể thua ngay trên sân nhà

Ông Trần Tiến Khai, khoa Kinh tế, Đại học Kinh tế TPHCM, cho rằng khi Việt Nam đã là thành viên của TPP cũng như hàng loạt các hiệp định khác, tức là Việt Nam đã là một phần của câu chuyện toàn cầu hóa.

Theo ông Khai, toàn cầu hóa sẽ bắt buộc các quốc gia phải đáp ứng được những tiêu chuẩn về chất lượng giống nhau, và do đó doanh nghiệp Việt Nam phải đáp ứng được các tiêu chuẩn an toàn vệ thực phẩm (theo thông lệ của thế giới) nếu muốn xuất khẩu và bán tại thị trường nội địa.

Vì thế, nếu doanh nghiệp không đáp ứng được những tiêu chuẩn đó thì những nhà bán lẻ sẽ nhập khẩu những sản phẩm đạt tiêu chuẩn từ các quốc gia khác để cung cấp cho người tiêu dùng Việt Nam. Doanh nghiệp Việt Nam trong lĩnh vực nông nghiệp có thể bị thua trên sân nhà.

Theo các diễn giả, trong sân chơi lớn như TPP, bắt buộc doanh nghiệp Việt Nam phải thay đổi công nghệ theo hướng hiện đại để sản xuất những sản phẩm có chất lượng, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm mới có hy vọng cạnh tranh với sản phẩm nhập khẩu từ các thành viên TPP tại thị trường nội địa.

Ông Khai cho rằng, để có thương hiệu Việt, không thể trông cậy vào nông dân mà phải do doanh nghiệp trong nước làm. “Khi doanh nghiệp xây dựng được thương hiệu nông sản sẽ giúp doanh nghiệp chiếm lĩnh thị trường nội địa và xa hơn là xuất khẩu,” ông Khai nói.

Bên cạnh chia sẻ của các diễn giả, diễn đàn cũng có phần đối thoại của các doanh nghiệp lớn đang đầu tư vào nông nghiệp như Hoàng Anh Gia Lai, Phúc Sinh, Hùng Vương, TH True Milk… Một điều dễ nhận thấy là trong phần hỏi đáp, những người trong ban giám đốc các doanh nghiệp này đều khẳng định, không có gì quá lo lắng về TPP cả vì đã có những chiến lược đối phó lẫn tiềm lực tài chính để thực hiện điều này.

Theo một số chuyên gia, đây là những doanh nghiệp lớn, có nguồn vốn lớn, có đội ngũ lãnh đạo có tầm nhìn và trong những năm tới câu chuyện đầu tư vào ngành nông nghiệp Việt Nam vẫn xoay quanh với những cái tên như Hoàng Anh Gia Lai, TH True Milk, Vingroup, Vinamilk, Hùng Vương, Hòa Phát, Masan… là chính. Tuy nhiên, nhìn vào cơ cấu sản xuất, kinh doanh của những doanh nghiệp này, người nông dân vẫn sẽ đứng ngoài dòng chảy này và vẫn là đối tượng bị tác động mạnh trong thời TPP.
Ngọc Hùng
Nguồn: TBKTSG Online

028.37273883