Giá dầu thế giới tăng nhẹ trong phiên 12/8
Giới nhà đầu tư đã bị chia rẽ giữa dự báo tăng trưởng nhu cầu dầu thế giới chậm lại và những đồn đoán về khả năng các nhà sản xuất dầu chủ chốt sẽ tiếp tục nỗ lực cắt giảm sản lượng…
Giá dầu thế giới tăng nhẹ trong phiên 12/8, giữa lúc những đồn đoán về khả năng các nhà sản xuất dầu mỏ chủ chốt sẽ tiếp tục giảm nguồn cung toàn cầu đã “lấn át” những lo ngại về tăng trưởng nhu cầu dầu yếu ớt do tác động từ cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung.
Giá dầu thế giới tăng nhẹ trong phiên 12/8. Ảnh minh họa: TTXVN
Khép phiên này, giá dầu Brent Biển Bắc giao dịch ở mức 58,57 USD/thùng, tăng 4 xu Mỹ so với mức đóng phiên trước đó. Giá dầu thô ngọt nhẹ Mỹ (WTI) tăng 43 xu Mỹ lên 54,93 USD/thùng.
Các nhà phân tích cho rằng giới nhà đầu tư đã bị chia rẽ giữa dự báo tăng trưởng nhu cầu dầu thế giới chậm lại và những đồn đoán về khả năng các nhà sản xuất dầu chủ chốt sẽ tiếp tục nỗ lực cắt giảm sản lượng để hỗ trợ giá “vàng đen”.
Dầu vững giá trong phiên này giữa lúc những dấu hiệu phát đi từ Saudi Arabi và Kuwait đã lấn át sự lo lắng lo về nhu cầu dầu toàn cầu .
Bộ trưởng Dầu mỏ Kuwait Khaled al-Fadhel cho biết nước này đã “tuân thủ 100%” thỏa thuận của OPEC+, đồng thời khẳng định Kuwait đã cắt giảm sản lượng nhiều hơn so với mức yêu cầu của thỏa thuận. Theo Bộ trưởng Khaled al-Fadhel, những lo ngại về sự suy giảm tăng trưởng kinh tế toàn cầu đã “bị phóng đại”, và nhu cầu dầu thô thế giới sẽ tăng lên trong nửa cuối năm 2019, qua đó giúp giảm lượng dầu dư thừa.
Trong khi đó, Saudi Arabia, nước sản xuất dầu đứng đầu trong OPEC, cho hay Tập đoàn dầu mỏ quốc doanh Saudi Aramco của nước này sẵn sàng triển khai kế hoạch chào bán cổ phiếu lên đầu ra công chúng (IPO) lớn nhất thế giới để hỗ trợ giá dầu. Chính phủ Saudi Arabia sẽ quyết định thời điểm tiến hành kế hoạch IPO dựa trên đánh giá về tình hình thị trường.
Theo đánh giá của giới phân tích, căng thẳng giữa Mỹ và Iran cũng đang góp phần củng cố giá dầu.
Ngược lại, trong cuộc khảo sát hàng quý được thực hiến với gần 1.200 chuyên gia tại hơn 110 quốc gia, Viện nghiên cứu kinh tế Ifo của Đức cho biết triển vọng kinh tế đã giảm xuống trên toàn cầu do tranh chấp thương mại leo thang giữa Mỹ và Trung Quốc.
Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) ngày 9/8 cho hay, ngày càng có nhiều dấu hiệu cho thấy đà tăng suy giảm tăng trưởng kinh tế toàn cầu đã khiến nhu cầu dầu toàn cầu tăng với tốc độ chậm nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008. Cơ quan có trụ sở tại Paris này đã hạ dự báo tăng trưởng nhu cầu dầu toàn cầu năm 2019 và 2020 xuống lần lượt 1,1 triệu thùng/ngày và 1,3 triệu thùng/ngày./.