Công ty năng lượng Bernstein Energy cho hay nhu cầu “vàng đen” thế giới” sẽ chỉ tăng khoảng 0,7% trong năm nay, thấp hơn một nửa so với ước tính hiện nay.
Trong phiên giao dịch ngày 30/5, giá dầu thế giới giảm gần 4% xuống mức thấp nhất trong hơn hai tháng qua do lượng dầu thô dự trữ tại các kho ở Mỹ giảm ít hơn dự kiến và thị trường lo ngại kinh tế toàn cầu tăng chậm lại do cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung.
Trong ảnh: Một cơ sở khai thác dầu tại thị trấn al-Buraqah, Libya. Ảnh: AFP/ TTXVN
Vào cuối phiên này, giá dầu Brent Biển Bắc giảm 2,58 USD (3,7%) xuống 66,87 USD/thùng, mức chốt phiên thấp nhất kể từ ngày 12/3. Trong lúc giá dầu thô ngọt nhẹ Mỹ (WTI) hạ 2,22 USD (3,8%) xuống 56,59 USD/thùng, mức khép phiên thấp nhất kể từ ngày 8/3.
Trong tháng này, giá dầu Brent và WTI ước tính giảm lần lượt khoảng 8% và 11%, và có thể sẽ là tháng giảm đầu tiên trong 5 tháng qua đối với hợp đồng mua hai loại dầu chủ chốt này trên thị trường.
Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) cho biết lượng dầu dự trữ tại các kho của Mỹ trong tuần trước đã giảm gần 300.000 thùng xuống 476,5 triệu thùng, giảm ít hơn so với mức dự báo giảm 900.000 thùng mà các nhà phân tích đưa ra và dưới mức 5,3 triệu thùng mà Viện Xăng dầu Mỹ (API) báo cáo vào cuối ngày 26/5.
Mức sụt giảm trong tuần trước đã đưa lượng dầu thô dự trữ rời khỏi mức cao nhất kể từ tháng 7/2017 ghi nhận được trong tuần trước đó, nhưng lượng dầu dự trữ này vẫn cao hơn 5% so với mức trung bình của 5 năm trong cùng thời điểm trong năm.
Trong một lưu ý, công ty năng lượng Bernstein Energy nói rằng cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung leo thang đang gây rủi ro cho các thị trường năng lượng. Theo công ty này, nhu cầu “vàng đen” thế giới” sẽ chỉ tăng khoảng 0,7% trong năm nay, thấp hơn một nửa so với ước tính hiện nay, nếu cuộc chiến thương mại xảy ra. Do nhu cầu suy yếu, Bernstein Energy cho biết bất kỳ xu hướng tăng nào diễn ra trên thị trường dầu cũng bị hạn chế, dù cho nguồn cung tương đối thắt chặt.
Bên cạnh đó, xuất khẩu dầu thô trong tháng Năm của Iran đã giảm gần một nửa so với mức của tháng Tư, ở mức khoảng 400.000 thùng/ngày sau khi Mỹ siết chặt các lệnh trừng phạt đối với ngành dầu mỏ – nguồn thu chính này của Tehran. Iran cần xuất khẩu ít nhất 1,5-2 triệu thùng dầu/ngày để cân bằng bảng cân đối kế toán của nước này.