Thiếu xăng RON 95: Diễn biến mới từ Lọc dầu tỷ đô Nghi Sơn

Xăng RON95 và RON92 sẽ được sản xuất bình thường từ hôm nay và ngày mai (29/3) – ông Đỗ Thắng Hải, Thứ trưởng Bộ Công Thương, cho biết.

Tại cuộc họp Ban chỉ đạo điều hành giá ngày 28/3, ông Đỗ Thắng Hải, Thứ trưởng Bộ Công Thương, đã cung cấp thông tin về việc sản xuất và cung ứng xăng dầu trong thời gian qua.

Ông Hải cho hay, Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn mới bắt đầu hoạt động thương mại từ 9/2018, hiện chiếm 70-75% nguồn cung xăng dầu và 39% thị phần xăng dầu trong nước. Vào ngày 24/2/2019, nhà máy này gặp sự cố về phát điện nên không thể sản xuất nhiên liệu. Ngay sau đó, Bộ Công Thương đã triệu tập cuộc họp với các đầu mối kinh doanh xăng dầu, yêu cầu Nhà máy lọc dầu Bình Sơn tăng tối đa công suất sản xuất và sớm đưa nhà máy Nghi Sơn trở lại hoạt động.

Đồng thời, Bộ Công Thương chỉ đạo các lực lượng quản lý thị trường đi kiểm tra từng cây xăng, yêu cầu các đầu mối cung cấp đủ xăng dầu cho các địa bàn trên toàn quốc.

Thiếu xăng RON 95:Diễn biến mới từ Lọc dầu tỷ đô Nghi Sơn
Một số cây xăng hết xăng RON 95.

Ngày 3/3, nhà máy Nghi Sơn đã bắt đầu khởi động lại và tới ngày 22/3, toàn bộ các phân xưởng đã hoạt động trở lại nhưng mới chỉ sản xuất được dầu diesel. Tới ngày 26/3 thì sản xuất được xăng đạt chất lượng, đến 28/3 và ngày mai (29/3), xăng RON95 và RON92 sẽ được sản xuất bình thường.

Thời gian vừa qua, Bộ Công Thương cũng đề nghị Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) nhập khẩu thêm xăng dầu với mức thuế cao hơn bình thường 10% để bảo đảm cung ứng đủ cho thị trường.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Trưởng Ban chỉ đạo điều hành giá, giao Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính chủ động nắm bắt thông tin về diễn biến giá thế giới để có phương án điều hành giá xăng dầu trong nước, kết hợp với trích lập và sử dụng quỹ bình ổn giá xăng dầu hợp lý để bình ổn giá trong thời điểm giá thế giới có biến động bất thường, không ảnh hưởng tới kỳ vọng về lạm phát…

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nhận định, Chính phủ hoàn toàn có thể kiểm soát lạm phát của năm 2019 ở mức từ 3,3-3,9%, vượt yêu cầu của Quốc hội trên tinh thần chủ động theo dõi, phối hợp chặt chẽ của các bộ, ngành, minh bạch và cung cấp thông tin kịp thời cho xã hội. Không chỉ vậy, các bộ, ngành phải tính toán điều hành giá cả hàng hoá, dịch vụ công y tế, giáo dục theo tín hiệu của thị trường.

Phó Thủ tướng cũng cho rằng công tác điều hành giá không “thụ động”, không chỉ phụ thuộc vào cung – cầu của thị trường mà từ thực tiễn và diễn biến giả cả phải kịp thời kiến nghị tới Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong tổ chức sản xuất và tiêu dùng.

Nguồn: Vietnamnet

028.37273883