Đặc phái viên Mỹ về vấn đề Iran Brian Hook hôm 12/1 cho biết, Mỹ sẽ không cấp thêm bất kỳ miễn trừ khỏi lệnh cấm nhập khẩu dầu Iran nào nữa.
Trước đó, vào tháng 11/2018, Mỹ tung ra lệnh trừng phạt mới nhắm vào các ngành vận tải biển, ngân hàng và năng lượng của Iran. Nhưng thời điểm đó Mỹ cho phép 8 nhà nhập khẩu trong đó có Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc tiếp tục mua dầu.
Dầu mỏ là nguồn thu hàng đầu của Iran. Ảnh: Nikkei Asian Review.
Ông Brian Hook không tiết lộ chính quyền Tổng thống Donald Trump sẽ làm gì khi lệnh miễn trừ trên hết hạn vào tháng 5/2019 mà chỉ nhấn mạnh, Mỹ sẽ cắt đứt mọi nguồn thu của Iran. Theo ông Brian Hook, 80% nguồn thu của Iran đến từ xuất khẩu dầu mỏ và đây là khoản tài trợ khủng bố hàng đầu.
Hồi tháng 5/2018, Mỹ đã tuyên bố rút khỏi thỏa thuận hạt nhân ký giữa Iran và nhóm P5+1 (gồm Anh, Pháp, Mỹ, Nga, Trung Quốc và Đức), đồng thời áp đặt trở lại hai vòng trừng phạt nhằm vào quốc gia Hồi giáo này.
Mỹ khẳng định sẽ không đàm phán lại thỏa thuận hạt nhân trên, thay vào đó đưa ra 12 yêu sách cho một thỏa thuận hạt nhân mới nhằm kiểm soát chặt chẽ hơn chương trình hạt nhân Iran.
Các yêu cầu chính bao gồm yêu cầu Iran ngừng làm giàu urani, không tái chế plutoni, cho phép tiếp cận không hạn chế các cơ sở hạt nhân trên khắp nước này, ngừng phát triển chương trình tên lửa đạn đạo, rút các lực lượng khỏi Syria và chấm dứt hậu thuẫn các nhóm vũ trang ở Trung Đông, thả các công dân Mỹ đang bị Iran giam giữ và chấm dứt các đe dọa hủy diệt Israel.
Iran đã chỉ trích những yêu cầu của Mỹ là “không thể chấp nhận được” cũng như lặp lại những chiến thuật “vô ích” mà Mỹ từng áp dụng trong quá khứ./.