CHUYỂN ĐỘNG GIÁ GẦN ĐÂY
Hầu hết các chỉ số giá cơ bản đều không đổi trong tháng vừa rồi. Ngoại trừ chỉ số CC có giảm.
+ Giá bông hợp đồng kỳ hạn tháng 12 thị trường NY không đổi, dao động trong khoảng 76 – 80 xu/lb.
+ Chỉ số A cũng ổn định từ giữa tháng 10, dao động ở mức 87 xu/lb.
+ Chỉ số giá bông giao ngay Trung Quốc (CC 3128B) trong tháng rồi giảm cả theo giá ngoại tệ, từ 105 xuống 102 xu/lb, lẫn giá nội tệ, từ 16.000 xuống 15.700 RMB/tấn.
+ Giá bông Shankar số 6 giao ngay tại Ấn Độ ổn định theo cả giá ngoại tệ, gần 81 xu/lb, lẫn giá nội tệ, gần 46.400 INR/maund.
+ Giá bông Pakistan cũng ổn định. Theo giá ngoại tệ, giá bông dao động ở mức 80 xu/lb. Theo giá nội tệ, giá bông dao động ở mức 8.750 PKR/candy.
CUNG, CẦU, & GIAO DỊCH
Theo báo cáo tháng này của Bộ Nông Nghiệp Hoa Kỳ (USDA), sản lượng và lượng tiêu thụ dự kiến đều được điều chỉnh giảm. Sản lượng giảm 2,3 triệu kiện (từ 121,7 xuống 119,4 triệu kiện) và lượng tiêu thụ giảm 875.000 kiện (từ 127,8 xuống 126,9 triệu kiện). Do sản lượng giảm mạnh hơn lượng tiêu thụ, tồn kho cuối kỳ dự kiến giảm (giảm 1,8 triệu kiện, từ 74,4 xuống 72,6 triệu kiện). Lượng tồn kho dự kiến được điều chỉnh giảm chủ yếu ở các quốc gia ngoài Trung Quốc (từ 44,6 xuống 42,7 triệu kiện). Tuy nhiên, tồn kho cuối kỳ ở các quốc gia ngoài Trung Quốc vẫn tăng 400.000 kiện trong vụ 2018/19 và đạt mức kỷ lục mới.
Theo báo cáo của USDA, sản lượng bông Mỹ được điều chỉnh lần đầu tiên sau khi bão Michael đổ bộ vào các bang trồng bông lớn tại vùng Đông Nam nước Mỹ. Với ảnh hưởng của cơn bão, sản lượng bông Mỹ được điều chỉnh giảm 1,4 triệu kiện, từ 19,7 xuống 18,4 triệu kiện. Sản lượng dự kiến cũng giảm ở Ấn Độ (giảm 700.000 kiện, từ 28,7 xuống 28,0 triệu kiện), Pakistan (giảm 500.000 kiện, từ 8,5 xuống 8,0 triệu kiện), và Turkmenistan (giảm 100.000 kiện, từ 1,3 xuống 1,2 triệu kiện). Sản lượng tăng đáng chú ý ở Benin (tăng 425.000 kiện, từ 850.000 lên 1,3 triệu kiện).
Lượng tiêu thụ ở phạm vi quốc gia giảm ở nhiều nơi. Lượng tiêu thụ giảm mạnh nhất ở Ấn Độ (giảm 200.000 kiện, từ 25,5 xuống 25,3 triệu kiện), Pakistan (giảm 200.000 kiện, từ 11,0 xuống 10,8 triệu kiện), Thổ Nhĩ Kỳ (giảm 200.000 kiện, từ 7,3 xuống 7,1 triệu kiện), Brazil (giảm 100.000 kiện, từ 3,6 xuống 3,5 triệu kiện), Indonesia (giảm 100.000 kiện, từ 3,7 xuống 3,6 triệu kiện), và Mỹ (giảm 100.000 kiện, từ 3,4 xuống 3,3 triệu kiện). Không có quốc gia nào có lượng tiêu thụ tăng quá 100.000 kiện.
Giao dịch thương mại dự kiến giảm nhẹ (giảm 325.000 kiện, từ 41,4 xuống 41,1 triệu kiện). Lượng nhập khẩu thay đổi đáng kể ở Thổ Nhĩ Kỳ (giảm 200.000 kiện, từ 3,1 xuống 2,9 triệu kiện), Indonesia (giảm 100.000 kiện, từ 3,8 xuống 3,7 triệu kiện), Việt Nam (giảm 100.000 kiện, từ 7,7 xuống 7,6 triệu kiện), và Pakistan (tăng 100.000 kiện, từ 2,5 lên 2,6 triệu kiện). Lượng xuất khẩu thay đổi mạnh ở Mỹ (giảm 500.000 kiện) do sản lượng giảm (từ 15,5 xuống 15,0 triệu kiện). Các quốc gia khác có lượng xuất khẩu thay đổi gồm Benin (tăng 400.000 kiện, từ 800.000 lên 1,2 triệu kiện), Brazil (tăng 100.000 kiện, từ 5,4 lên 5,5 triệu kiện), Ấn Độ (giảm 100.000 kiện, từ 4,4 xuống 4,3 triệu kiện), Turkmenistan (giảm 100.000 kiện, từ 625.000 xuống 525.000 kiện), và Uzbekistan (giảm 100.000 kiện, từ 800.000 xuống 700.000 kiện).
TỔNG QUAN GIÁ
Khi bông được thu hoạch ngày càng nhiều từ khu vực Bắc bán cầu, những quan ngại về nguồn cung đã được loại bỏ. Nhưng có nhiều bất ổn về lượng cầu đáng được quan tâm. Tốc độ phát triển kinh tế của Mỹ, Trung Quốc và Châu Âu đều giảm trong quý ba. Bước chững lại của nền các kinh tế lớn đã được dự kiến trong các báo cáo tháng trước của Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế (IMF), báo cáo này dự đoán tốc độ phát triển GDP sẽ giảm trong năm 2018 và 2019. Tốc độ phát triển kinh tế giảm sẽ làm giảm nhu cầu tiêu dùng hàng may mặc và hàng dệt may gia dụng. Như vậy, nó sẽ làm cho lượng tiêu thụ giảm, và xu hướng GDP giảm có thể là nguyên nhân dẫn đến việc điều chỉnh giảm các ước lượng tiêu thụ trong tháng này.
Nhập khẩu cũng là một bộ phận của lượng cầu, và tình hình quan hệ căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc vẫn tiếp tục là nguồn bất ổn rất lớn. Trong vài tuần gần đây, thông tin về các diễn biến sắp tới không rõ ràng do có nhiều nguồn tin cho rằng xung đột thương mại sẽ gia tăng nhưng một số khác cho rằng một số thỏa thuận có thể sẽ đạt được, tuy nhiên ảnh hưởng tiêu cực của tình hình này đến xuất khẩu bông Mỹ ngày càng xấu đi. Lúc ban đầu, các nhà máy Trung Quốc giữ trạng thái “đợi và quan sát” khi Trung Quốc tăng thuế nhập khẩu bông Mỹ, vẫn giữ các hợp đồng mua bông và không mua mới. Nhưng gần đây, các nhà máy đã bắt đầu hủy đơn hàng.
Mặc dù vào đầu vụ, số hợp đồng tăng 36% so với vụ trước nhưng gần đây lại giảm và thấp hơn năm ngoái 12%. Xuất khẩu bông Mỹ gặp khó khăn không chỉ ở Trung Quốc. Xuất khẩu bông Mỹ đến Thổ Nhĩ Kỳ, luôn nằm trong các quốc gia nhập khẩu bông Mỹ nhiều nhất, cũng giảm mạnh (giảm 46% so với năm ngoái). Xuất khẩu đến các thị trường khác cũng chậm lại trong vài tuần rồi. Điều này rất đáng chú ý vì đây thường là thời điểm xuất khẩu của Mỹ tăng mạnh khi bông được thu hoạch, phân loại và chuẩn bị xuất khẩu.
Với việc các nhà máy Trung Quốc hủy đơn hàng, cộng với lượng xuất khẩu đến các thị trường khác thấp hơn mức trung bình, biểu đồ ước lượng xuất khẩu bông Mỹ có xu hướng thấp hơn so với mức trung bình. Nếu diễn biến này kéo dài, xuất khẩu bông Mỹ sẽ có thể giảm thấp hơn mức xuất khẩu năm ngoái trong vài tuần tới. Sản lượng bông Mỹ thấp hơn do hậu quả của bão có thể là yếu tố làm cân bằng tình hình cung cầu, nhưng lượng xuất khẩu giảm mạnh hơn sẽ làm tăng tồn kho cuối kỳ.
Do Mỹ là quốc gia xuất khẩu bông lớn nhất thế giới, tồn kho cuối kỳ cao sẽ tạo áp lực giảm giá bông trên phạm vi toàn cầu.
Trong tương lai xa hơn, nhu cầu mua bông để bình ổn mức tồn kho dự trữ của Trung Quốc có thể là yếu tố làm tăng giá bông. Để bình ổn mức tồn kho dự trữ, Chính Phủ Trung Quốc phải nhập khẩu bông bằng với thâm hụt sản lượng.
Điều này có nghĩa là Trung Quốc phải tăng gấp ba lần mức nhập khẩu hiện tại, năm triệu kiện, lên mức mười lăm triệu kiện. Mặc dù nhu cầu tăng mạnh từ Trung Quốc rất có khả năng sẽ diễn ra, và các nhà máy Trung Quốc đang gặp phải các rào cản thuế quan khi nhập bông từ Mỹ, thì giá bông Trung Quốc vẫn đang giảm. Điều này chỉ ra rằng lượng cầu là yếu tố đáng được chú ý hơn là lượng cung.
Nguồn: Cotton Incorporated