Thị trường dầu thế giới chứng kiến tuần giảm giá thứ 6

 

Tính chung cả tuần, giá dầu Brent giảm 4,6%, còn giá dầu chuẩn Tây Texas (WTI, dầu ngọt nhẹ Mỹ) giảm 5,6%.

Giá dầu giảm tuần thứ 6 liên tiếp. Ảnh minh họa: TTXVN

Bất chấp ba phiên cuối tuần đi lên, thị trường dầu thế giới vẫn chứng kiến tuần giảm giá thứ sáu liên tiếp trong bối cảnh mối lo về tình trạng dư cung và nhu cầu yếu đẩy giá mặt hàng này giảm sâu trong phiên 13/11. Tính chung cả tuần, giá dầu Brent giảm 4,6%, còn giá dầu chuẩn Tây Texas (WTI, dầu ngọt nhẹ Mỹ) giảm 5,6%.

Trong phiên giao dịch đầu tuần (12/11), giá dầu WTI giảm phiên thứ 11 liên tiếp, chuỗi giảm dài kỷ lục kể từ khi loại dầu này bắt đầu được đưa vào giao dịch, sau phát biểu của Tổng thống Mỹ Donald Trump rằng ông hy vọng sản lượng dầu sẽ không bị hạ xuống.

Trong một bài đăng trên trang Twitter cá nhân, ông Trump bày tỏ hy vọng Saudi Arabia và Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) sẽ không cắt giảm sản lượng. Theo ông, giá dầu cần phải thấp hơn nữa dựa trên nguồn cung.

Đáng chú ý trong phiên ngày 13/11, giá dầu WTI giảm tới 7% do những lo ngại về tình trạng dư cung kéo dài và nhu cầu “vàng đen” toàn cầu yếu đi. Cuối phiên này, tại thị trường New York, giá dầu thô ngọt nhẹ Mỹ giảm 4,24 USD (7,1%) xuống 55,69 USD/thùng.

Tại thị trường London, giá dầu Brent Biển Bắc giảm 4,65 USD (6,6%) xuống 65,47 USD/thùng, mức giảm nhiều nhất tính theo ngày kể từ tháng Bảy. Hai loại dầu chủ chốt này đã giảm hơn 20% giá trị kể từ mức “đỉnh” của bốn năm được ghi nhận hồi đầu tháng 10/2018.

Trong báo cáo hàng tháng, OPEC cho biết nhu cầu dầu thế giới trong năm 2019 sẽ tăng thêm khoảng 1,29 triệu thùng/ngày, ít hơn 70.000 thùng so với dự đoán đưa ra tháng trước đó. Tuy nhiên, sản lượng của OPEC tăng khoảng 127.000 thùng/ngày lên 32,9 triệu thùng/ngày.

Sang phiên giao dịch ngày 14/11, giá dầu lấy lại đà tăng do thị trường hy vọng OPEC sẽ cắt giảm sản lượng. Theo một số nguồn tin thân cận, OPEC và các đối tác của tổ chức này đang thảo luận về việc cắt giảm sản lượng dầu 1,4 triệu thùng/ngày trong năm 2019, để tránh tình trạng dư cung khiến giá dầu thô sụt giảm.

Saudi Arabia, nước xuất khẩu dầu hàng đầu thế giới, ngày 11/11 còn cho biết sẽ cắt giảm lượng dầu xuất khẩu của đất nước này bớt đi 500.000 thùng/ngày vào tháng 12 tới do nhu cầu giảm theo mùa.

Giá dầu tăng phiên thứ hai liên tiếp trong ngày giao dịch 15/11 khi dự trữ nhiên liệu tại Mỹ giảm và OPEC có khả năng sẽ cắt giảm sản lượng để hỗ trợ giá “vàng đen”.

Số liệu từ Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) cho thấy dự trữ dầu thô tại nước này đã tăng thêm 10,3 triệu thùng trong tuần trước, mức tăng nhiều nhất tính theo tuần kể từ tháng 2/2017 và con số này cũng cao hơn so với dự báo tăng 3,2 triệu thùng mà các chuyên gia phân tích của hãng tin Reuters đưa ra. Tuy nhiên, dự trữ xăng lại giảm 1,4 triệu thùng.

Trong phiên cuối tuần (16/11), triển vọng OPEC cắt giảm sản lượng tiếp tục là yếu tố thúc đẩy giá dầu đi lên. Chốt phiên này, giá dầu Brent tăng 0,14 USD (0,2%) 66,76 USD/thùng; còn giá dầu WTI giữ ở mức 56,46 USD/thùng.

Tariq Zahir, nhà quản lý tại Tyche Capital Advisors có trụ sở ở New York, nhận định sau khi giảm mạnh trong phiên 13/11, thị trường đã có sự điều chỉnh và đang đi vào ổn định. Dù vậy, các chuyên gia cho rằng đà tăng trong phiên này vẫn bị giới hạn do tâm lý cẩn trọng của các nhà giao dịch.

Dự kiến, các bộ trưởng OPEC sẽ nhóm họp tại Vienna (Áo) vào ngày 6/12 tới để quyết định về chính sách sản lượng trong sáu tháng tới. Trong khi OPEC đang rục rịch cắt giảm sản lượng để hỗ trợ giá dầu, phía Nga phát đi tín hiệu trái chiều về vấn đề này khi Giám đốc điều hành Vagit Alekperov của Lukoil ngày 12/11 nói rằng ông không thấy việc cắt giảm sản lượng là cần thiết.

Theo số liệu Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), giá dầu đã mất 25% giá trị chỉ trong sáu tuần do sức ép từ khả năng kinh tế toàn cầu tăng chậm lại và sản lượng dầu tại Mỹ cũng như một số nước khác gia tăng. Sản lượng dầu thô của Mỹ đã tăng lên mức cao kỷ lục 11,7 triệu thùng/ngày.

Nguồn: Bnews

028.37273883