Phiên 12/11, giá dầu Mỹ hạ phiên thứ 11 liên tiếp, chuỗi giảm dài nhất từ khi loại dầu này bắt đầu được giao dịch, sau phát biểu của Tổng thống Donald Trump rằng ông hy vọng sản lượng dầu không giảm.
Dầu WTI ghi nhận chuỗi giảm giá dài kỷ lục. Ảnh: Reuters
Cụ thể, tại thị trường New York, kết thúc thời gian giao dịch chính thức của phiên này, giá dầu thô ngọt nhẹ Mỹ (WTI) giảm 26 xu Mỹ xuống còn 59,93 USD/thùng, đánh dấu phiên giảm giá thứ 11 liên tiếp, chuỗi trượt dốc dài nhất kể từ khi dầu WTI được đưa vào giao dịch, theo số liệu của CME Group. Trong khi đó, giá dầu Brent Biển Bắc đảo chiều vào cuối phiên và giảm 6 xu Mỹ, khép phiên ở mức 70,12 USD/thùng.
Trong một bài đăng trên trang Twitter cá nhân, ông Trump bày tỏ hy vọng Saudi Arabia và Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) sẽ không cắt giảm sản lượng. Theo ông, giá dầu cần phải thấp hơn nữa dựa trên nguồn cung.
Bình luận này của Tổng thống Mỹ được đưa ra sau khi Bộ trưởng Năng lương Saudi Arabia Khalid al-Falih trước đó cho biết OPEC đang xem xét cắt giảm sản lượng 1 triệu thùng dầu/ngày vào năm tới do nhu cầu đang giảm xuống, đồng thời quan ngại rằng các lệnh trừng phạt của Mỹ đối với Iran đã ít có tác động đến nguồn cung hơn so với dự đoán. Những bình luận này của Saudi Arabia đã khiến giá dầu đi lên trước đó trong phiên.
Saudi Arabia, nước xuất khẩu dầu lớn nhất thế giới, ngày 11/11 còn cho biết sẽ cắt giảm lượng dầu xuất khẩu của nước này đi 500.000 thùng/ngày vào tháng 12 do nhu cầu giảm theo mùa.
Thị trường đã dự đoán rằng lượng dầu xuất khẩu của Iran sẽ giảm mạnh sau khi các lệnh trừng phạt của Mỹ có hiệu lực. Tuy nhiên, Mỹ đã cho phép nhiều nước nhập khẩu dầu lớn từ Iran được tạm thời miễn áp dụng lệnh trừng phạt nói trên.
OPEC và Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) sẽ lần lượt công bố báo cáo hàng tháng về triển vọng cung cầu trên thị trường “vàng đen” trong tuần này.
Giá dầu đã giảm khoảng 20% trong tháng 10/2018, do sự gia tăng nguồn cung toàn cầu và nguy cơ nhu cầu suy giảm, đặc biệt là nhu cầu của các nước có đồng tiền đang yếu đi so với đồng USD, từ đó làm giảm sức mua của các nước này.