Ngày 01/8, Đại diện Thương mại Mỹ Lighthizer thông báo, Tổng thống Mỹ Trump đã chỉ thị cho ông hành động, tăng thuế suất tuyên bố ban đầu từ 10% lên đến 25% đối với hàng hóa Trung Quốc có giá trị 200 tỷ USD. Do đó, thời hạn để công chúng Mỹ gửi ý kiến bằng văn bản đã hoãn từ 30/8 đến 5/9, thời gian tham gia buổi điều trần hoãn đến ngày 13/8.
Theo danh sách tăng thuế của Chính phủ Trump tuyên bố ngày 10/7 mà Văn phòng Thương mại Quốc tế thuộc Hiệp hội Dệt may Trung Quốc đã chỉnh lý sơ bộ cho thấy, các sản phẩm dệt may được tính theo tiêu chuẩn của Mỹ đã vượt quá 900 dòng thuế, bao gồm một phạm vi rất rộng, gồm tất cả các loại xơ sợi, vải, hàng dệt từ nguyên liệu thô (bông, len, lụa, sợi lanh và xơ sợi hóa học), hàng dệt dùng trong công nghiệp và một số máy móc thiết bị dệt, liên quan đến sản phẩm xuất sang thị trường Mỹ hàng năm với kim ngạch xuất khẩu lên tới khoảng 4 tỷ USD.
Các loại hàng dệt có giá trị 4 tỷ USD, áp thuế suất 10%, mức thuế mới tăng sẽ là 400 triệu USD, nếu tăng đến mức thuế suất 25%, có nghĩa là, mức thuế mới tăng là 1 tỷ USD.
Cảm giác thực sự của các DN dệt may
Kể từ khi bắt đầu cuộc chiến thương mại Trung Mỹ đến nay, những thông tin từ Trump và Chính phủ Mỹ thay đổi hằng ngày, các nhân sĩ trong ngành dệt may của Trung Quốc cảm thấy quá nhiều sự không chắc chắn, đã không thể theo kịp tốc độ của sự thay đổi.
Người phụ trách của Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Hoa Thân Thượng Hải nói, với tình hình quá nhiều yếu tố bất ổn, dẫn đến sự phán đoán khi nhận đơn đặt hàng của các DN dệt may Trung Quốc hiện nay là quá chủ quan. Ông hy vọng Chính phủ đưa ra hướng chỉ đạo rõ ràng cho ngành dệt may để tránh thiệt hại do xung đột thương mại gây ra càng nhiều càng tốt, trong khi đó trong nước Trung Quốc đang cải thiện môi trường đầu tư để khuyến khích ngành dệt may nâng cấp công nghệ, đồng thời tăng cường ký kết các Hiệp định thương mại tự do với khối ASEAN, Liên minh Châu Âu, các nước dọc theo “một vành đai một con đường”, các nước Trung và Nam Mỹ, để các sản phẩm dệt may của Trung Quốc có thêm nhiều đối tượng bán hàng hơn.
Tổng Giám đốc Trương Đồng của Công ty Khoa học và Công nghệ Founder Bắc Kinh trả lời phóng viên “Báo Dệt may Trung Quốc” rằng: “Mức thuế tăng từ 10% lên 25%, đã triệt tiêu đi những thuận lợi trong xuất khẩu do sự mất giá gần đây của đồng NDT tạo ra. Trong danh sách tăng thuế dù chưa đề cập đến các mặt hàng quần áo, nhìn chung tình hình thương mại căng thẳng. Một số ít sản phẩm dệt may gia dụng của công ty chúng tôi nằm trong danh mục trên, nhưng những sản phẩm này không phải dễ thay thế bởi các quốc gia đang phát triển khác. Do đó, giá mua của khách hàng cuối cùng sẽ bị ảnh hưởng, lượng mua sẽ giảm. Chính sách sắp tới của Trump có thể sẽ bao gồm thêm nhiều sản phẩm may mặc, hy vọng rằng Nhà nước sẽ đưa ra các chính sách để duy trì sức cạnh tranh của sản phẩm Trung quốc. Xét về lâu dài, các DN vẫn phải cải thiện khả năng cạnh tranh của họ, và cố gắng cung cấp các sản phẩm trung và cao cấp khó có thể thay thế được, đồng thời mở rộng khu vực xuất khẩu nhằm đảm bảo cán cân thương mại”.
Ngoài ra, còn có một số DN dệt vải gia dụng cho biết, mọi năm vào mùa này họ đã chuẩn bị mẫu mã, sản phẩm mới cho mùa thu đông, nhưng năm nay họ vẫn chưa dám nhận đơn đặt hàng. “Bởi vì tình hình thương mại sắp tới không chắc chắn lắm, có thể làm nhiều sẽ bị lỗ nhiều”.
Người phụ trách của một DN xuất khẩu quy mô lớn ở tỉnh Giang Tô nói: “Sản phẩm dệt may không phải là sản phẩm tinh vi công nghệ cao, dễ thay thế được, cộng với lợi nhuận thấp, khả năng chịu áp lực của các DN đang được thử thách”.
Người phụ trách của một Công ty TNHH xuất nhập khẩu ở Ninh Ba cho biết, tính không chắc chắn của cuộc chiến thương mại Trung Mỹ tăng mạnh và có nhiều biến động, các DN phải thận trọng hơn. “Đồng NDT bị phá giá có lợi cho các DN xuất khẩu dệt may của Trung Quốc. Bên cạnh đó, các DN không ngừng nâng cao năng lực R & D, loại vải có chức năng mới được sự công nhận cao ở thị trường Châu Âu và Mỹ. Các DN phải nỗ lực trong đổi mới, dốc công sức vào sản xuất thông minh mới có thể đứng vững trong môi trường thương mại phức tạp này”.
Phòng Thương mại XNK Dệt may Trung Quốc đưa ra những lời khuyên
Do đó, Phòng Thương mại XNK Dệt may Trung Quốc cho rằng trình tự lấy ý kiến công chúng có thể có một hiệu ứng rất tích cực, trong danh sách áp thuế hàng hóa giá trị 50 tỷ USD bao gồm 1.333 dòng thuế 8 mã số của Mỹ công bố vào tháng 4 năm nay, sau trình tự lấy ý kiến công chúng đã giảm đi 515 dòng thuế. Do đó, Phòng Thương mại khuyến cáo các DN Trung Quốc bị ảnh hưởng phải hành động ngay, đoàn kết với các nhà nhập khẩu và người sử dụng cuối cùng của Mỹ, tích cực nắm bắt thời gian từ tháng 7 đến tháng 9 tiến hành trình tự lấy ý kiến công chúng đối với danh mục hàng hóa giá trị 200 tỷ USD, tranh thủ để sản phẩm của DN bị liệt kê được loại khỏi danh sách tăng thuế cuối cùng.
Các khuyến nghị cụ thể như sau:
Đầu tiên, các DN phải xác định chính xác liệu sản phẩm của mình có nằm trong danh sách áp mức thuế quan mới được bổ sung hay không. Bởi vì các mã số thuế sử dụng trong danh mục mà Mỹ đã công bố khác với mã thuế quan của Trung Quốc, do đó, các DN Trung Quốc phải sàng lọc bằng 6 con số đầu trong mã thuế của Mỹ, xem các mô tả sản phẩm trong hạng mục thuộc 6 số đầu trong mã thuế quan để xác định kỹ liệu sản phẩm của DN mình có nằm trong danh mục không. (Nếu DN có bất kỳ câu hỏi nào về các sản phẩm liên quan đến thuế, DN có thể liên hệ với Phòng Thương mại Xuất nhập khẩu Dệt may Trung Quốc).
Thứ hai là, các DN liên hệ ngay với các nhà nhập khẩu Mỹ, nhờ họ gửi nhận xét và ý kiến phản đối về việc áp thuế và gửi đơn xin tham gia điều trần cho ý kiến công chúng trước ngày 13/8 và gửi ý kiến nhận xét bằng văn bản trước ngày 17/8. Đến ngày 5/9 là hạn chót nhận tất cả các ý kiến bằng văn bản.
Bên cạnh đó, các DN ngoài việc xin loại trừ sản phẩm hoặc gửi ý kiến và đề nghị, Phòng thương mại khuyến nghị các DN thỏa thuận với người mua phần chia sẻ chi phí trong việc áp thêm thuế quan trong tương lai càng sớm càng tốt, đưa các điều khoản liên quan vào trong hợp đồng hoặc bằng văn bản bổ sung để xác định rõ ràng trách nhiệm của hai bên, nhằm tránh rủi ro.
Đối với việc Mỹ có ý định tăng mức thuế đối với hàng hóa có kim ngạch xuất khẩu 200 tỷ USD của Trung Quốc, người phát ngôn của Bộ Thương mại Trung Quốc đã phát biểu trong ngày 2/8. Người phát ngôn cho biết, đối với việc Mỹ đe dọa nâng cấp cuộc chiến thương mại, Trung Quốc đã có sự chuẩn bị đầy đủ, để bảo vệ tôn nghiêm quốc gia và lợi ích của người dân, bảo vệ tự do thương mại và thể chế đa phương và bảo vệ lợi ích chung của các nước trên thế giới, Trung Quốc buộc phải đáp trả lại. Đồng thời, Trung Quốc luôn chủ trương giải quyết các bất đồng thông qua đối thoại, nhưng phải trên cơ sở đối xử bình đẳng và giữ lời hứa uy tín với nhau.
“Chiến tranh thực sự” hay chỉ là tung hỏa mù?
Khi được phỏng vấn, nhiều DN cho biết họ vẫn chưa thể thấy được Mỹ thực sự có ý định tăng thuế quan lên 25% hay có các mục đích khác. Người phát ngôn của Bộ Thương mại đã phát biểu trong ngày 2/8 cho biết, phía Mỹ đã có hai động thái trong hai ngày nay, vừa đưa ra tuyên bố sẽ tăng mức thuế suất đối với hàng xuất khẩu của Trung Quốc sang Mỹ có giá trị 200 tỷ USD từ 10% lên đến 25%, mặt khác lại rêu rao sẽ khôi phục đàm phán với Trung Quốc.
Một số DN xuất khẩu hàng may mặc cho biết, họ có biết vào cuối tháng 7, Ivanka Trump, con gái của Trump tuyên bố sẽ đóng cửa thương hiệu thời trang cùng tên.
Thương hiệu trên được thành lập vào năm 2007, dòng sản phẩm bao gồm quần áo, túi xách, giày dép…, theo thông tin từ WWD, thương hiệu Trump Ivanka có giá trị khoảng 100 triệu USD trước khi ông Trump nhậm chức. Trong chiến dịch tranh cử của Trump, Ivanka Trump về cơ bản đều mặc quần áo mang nhãn hiệu riêng của mình trước công chúng, điều này đã làm tăng sự được quan tâm của thương hiệu.
Mặc dù tháng giêng năm 2017, “Đệ nhất ái nữ” tuyên bố sẽ rời khỏi thương hiệu của mình để chuẩn bị làm một cố vấn không chính thức của Nhà Trắng trong tháng 3, nhưng trên thực tế cô vẫn nắm giữ cổ phần của thương hiệu trên.
Kể từ sau khi nhậm chức Trump đã nỗ lực trong việc đẩy mạnh “sản xuất tại Mỹ”, và đe dọa sẽ trừng phạt bằng cách áp đặt mức thuế cao đối với các công ty Mỹ thành lập nhà máy ở nước ngoài. Tuy nhiên, theo khảo sát của tờ New York Times, hầu như tất cả các sản phẩm của thương hiệu Ivanka Trump đều được sản xuất ở nước ngoài. Theo thông tin được cung cấp bởi Kho Dữ liệu Thương mại ImportGenius cho thấy, tính đến ngày 5/12/2017, thương hiệu này đã nhập tổng cộng 193 lô hàng, trong số đó hầu hết là giày dép và túi xách sản xuất tại Trung Quốc. Áo đầm và áo sơ mi của thương hiệu này đến từ Trung Quốc, Indonesia và Việt Nam.
Vì vậy, nhiều người cho rằng việc Ivanka Trump đóng cửa thương hiệu mang tên mình đã cho thấy hai tín hiệu: Thứ nhất là, đã xác nhận thêm quần áo sản xuất tại Trung Quốc chiếm tỷ trọng rất cao tại thị trường Mỹ, thứ hai là cho thấy trong cuộc chiến thương mại Trung Mỹ và trong việc đẩy mạnh “Made in USA”, Chính quyền Trump là nghiêm túc, các DN Trung Quốc phải có sự chuẩn bị đối phó tốt đấy.
Nguồn: Báo Dệt may Trung Quốc