Chính phủ đã xây dựng kế hoạch tăng trưởng GDP năm 2016 khoảng 6,7% và phấn đấu mục tiêu tăng trưởng bình quân 5 năm khoảng 6,5%- 7%/năm. Nhưng các mục tiêu rất cao này được đặt trong bối cảnh dự toán giá dầu thô bình quân 5 năm tới ở mức 45 đô la Mỹ/thùng.
Giá dầu xuống thấp, rất khó dự báo. Trong khi đó kế hoạch ngân sách vẫn phải xoay quanh giá dầu tăng hay giảm Ảnh:TL
Trong 5 năm 2011-2015, giá dầu thô thường xoay quanh mức hơn 100 đô la Mỹ/thùng song chưa có năm nào GDP cán đích 7%. Riêng năm 2015, giá dầu thô bình quân rớt xuống mức 56,2 đô/thùng nhưng GDP vẫn đạt 6,68%.
Tuy nhiên, Chính phủ vẫn mạnh dạn đề xuất Quốc hội đặt mức tăng trưởng GDP năm 2016 là 6,7%, tính ra bình quân 5 năm có mục tiêu là 6,5% đến 7%.
Đáng lưu ý là giá dầu thô hiện nay đang xuống rất thấp, cho dù có tăng trở lại so với thời điểm cuối năm 2015, đầu năm 2016 song vẫn chưa thực sự hồi phục ổn định. Trong khi đó, kế hoạch tài chính năm 2016 và giai đoạn 2016-2020 vẫn phài xoay quanh nguồn thu từ dầu thô, cho dù tỉ trọng nguồn thu từ dầu thô mỗi ngày một giảm.
Theo đó, thu dầu thô giảm từ mức bình quân 5,2% GDP và chiếm 18,4% tổng thu cân đối ngân sách giai đoạn 2006-2010 xuống còn tương ứng 1,6% GDP (giàm 3,6 điểm phần trăm).
Diễn biến giá dầu thô tác động trực tiếp đến tính toán về ngân sách. Trao đổi với báo chí, ông Nguyễn Minh Tân, Phó Vụ trưởng Vụ ngân sách nhà nước (Bộ Tài chính), đơn vị chủ trì soạn thảo các cân đối ngân sách, cho biết việc giảm giá dầu tác động trực tiếp đến thực thi chính sách và tiềm ẩn nguy cơ mất cân đối ngân sách năm 2016.
Trong Báo cáo về tình hình kinh tế- xã hội năm 2015, mục tiêu năm 2016-2020, Chính phủ chưa trình Quốc hội mức thu ngân sách năm 2016 dựa trên giá dầu dự báo là bao nhiêu mà chỉ nhận xét rằng: “Giá dầu thấp, khó dự báo”. Bộ Tài chính chỉ đưa ra kế hoạch ngân sách 5 năm tới dựa trên giá dầu bình quân là 45 đô la Mỹ/thùng.
Trước đó, cuối năm 2015, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam dự báo giá dầu thô bình quân năm 2016 ở mức 60 đô la Mỹ/thùng.
Bộ Tài chính cho rằng, tổng sản lượng dầu thô khai thác 5 năm tới khoảng 62,3 triệu tấn, giảm 1,73 triệu tấn so với dự báo mà Bộ Công Thương đưa ra trước đây. Tính chung, mức khai thác sẽ giảm khoảng 12 triệu tấn so với giai đoạn 2011-2015.
Bộ nhận định, giá dầu thô bình quân 5 năm khoảng 45 đô la/thùng, trong đó giá năm 2016 khoảng 30 đến 35 đô la/thùng, và đến năm 2020, giá khoảng 55 đến 60 đô la/thùng.
Mức giá được đưa ra trên cơ sở hiện nay là giá hợp đồng giao sau trung bình cho năm 2016 xoay quanh mức 30 đô/thùng. Hầu hết các dự báo của các tổ chức tài chính trên thế giới đến nay đều cho rằng giá dầu thô trong 2016-2017 sẽ duy trì ở mức thấp do chênh lệch cung-cầu còn tiếp tục kéo dài.
Thậm chí, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) còn dự đoán giá bình quân năm 2016 xấp xỉ 30 đô la/thùng, năm 2017 khoảng 35,8 đô la/thùng và bình quân 2016-2020 chưa đến 39 đô la/thùng.
Dự toán ngân sách nhà nước năm 2016 đưa ra mức tổng thu 1.014,5 ngàn tỉ đồng, tổng chi là 1.273,2 ngàn tỉ đồng, dẫn đến bội chi khoảng 254.000 tỉ đồng (4,95% GDP).
Để đảm báo được nguồn thu và các cân đối này, Bộ Tài chính đang xây dựng các kịch bản khác nhau. Nếu bình quân giá dầu ở mức 25 đô la/thùng thì ngân sách sẽ giảm thu khoảng 66.100 tỉ đồng. Nếu giá dầu ở mức 30 đô la/thùng, sẽ giảm thu khoảng 56.800 tỉ đồng. Giá dầu nếu ở mức 35 đô la/thùng thì mức giảm này là 46.700 tỉ đồng, còn nếu giá dầu đạt mức 40 đô la/thùng thì tổng thu sẽ giảm 37.300 tỉ đồng.
Mức giảm thu thế nào dự báo sẽ kéo theo bố trí chi đầu tư phát triển của ngân sách trung ương giảm tương ứng.
Nguồn tin: Viettimes